MC Quyền Linh “tiếp tay” quảng cáo TPCN Scurma Fizzy là thuốc: Sai phạm như nào?

"Không phải ngẫu nhiên MC Quyền Linh chọn sản phẩm A, chứ không phải sản phẩm B để chia sẻ. Giữa nghệ sĩ và nhãn hàng Scurma Fizzy có thể có hợp đồng dịch vụ quảng cáo...", LS Diệp Năng Bình nói.
Như Kiến Thức đưa tin nhãn hàng TPCN Scurma Fizzy bắt tay nghệ sĩ - MC Quyền Linh quảng cáo thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh đau dạ dày. Cụ thể, Scurma Fizzy của Công ty Elepharma (số nhà 35, ngõ 57, Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội) quảng cáo như thuốc trên hàng loạt website http://www.scurmafizzy.net; http://suicurcumin1.scurmafizzy.com… và thậm chí, "thuê" nghệ sĩ tên tuổi Quyền Linh giới thiệu sản phẩm tới người dùng, khẳng định trắng trợn rằng, Scurma Fizzy là thuốc, sản phẩm này chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ…
MC Quyen Linh “tiep tay” quang cao TPCN Scurma Fizzy la thuoc: Sai pham nhu nao?
 Website http://www.scurmafizzy.net đăng dẫn video Quyền Linh (khoanh đỏ) giới thiệu sản phẩm Scurma Fizzy đến người dùng một cách tin tưởng. Ảnh chụp màn hình.
Nhằm vạch trần sự "giả dối" của nhãn hàng Scurma Fizzy và bảo về quyền lợi, lợi ích cho người tiêu dùng Việt, Kiến Thức đã có cuộc trao đổi dưới góc độ pháp lý với luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng VP luật sư Tinh thông Luật, Đoàn LS TP HCM. 
Lý giải về việc nghệ sĩ Quyền Linh đang giúp quảng cáo không đúng công dụng của sản phẩm Scurma Fizzy, LS. Bình cho rằng, không phải ngẫu nhiên MC Quyền Linh chọn sản phẩm A, chứ không phải sản phẩm B để chia sẻ. Giữa nghệ sĩ Quyền Linh và nhãn hàng Scurma Fizzy có thể có hợp đồng dịch vụ quảng cáo... Mặt khác, cũng có thể nghệ sĩ này chỉ chia sẻ bí quyết chăm sóc sức khỏe, nhưng sau đó bị các tổ chức, cá nhân quảng cáo lợi dụng hình ảnh để quảng cáo.
Theo luật sư Bình, pháp luật chưa có quy định ràng buộc trách nhiệm đối với người nhận quảng bá sản phẩm, tuy nhiên “người nghệ sĩ, có sức ảnh hưởng rộng rãi tới dư luận khi tiếp nhận một sản phẩm để quảng cáo hay chia sẻ một điều gì đó về sản phẩm dịch vụ hãy có trách nhiệm với việc mình làm”.
Mời quý độc giả xem video: MC Quyền Linh giới thiệu TPCN Scurma Fizzy là thuốc, chỉ đứng thứ 2 sau Mỹ.
Scurma Fizzy được MC Quyền Linh giới thiệu là thuốc, nhưng thực tế chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.
Luật sư Bình cho biết thêm: Tại Điều 2, Luật an toàn thực phẩm đã định nghĩa rõ “TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, hỗ trợ tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học. Cần phải hiểu đúng bản chất của TPCN không thể là thuốc chữa bệnh. Nó là sản phẩm bổ sung những chất còn thiếu cho cơ thể trong quá trình chuyển hóa, giúp cải thiện tình trạng bệnh.
Còn thuốc chữa bệnh có vai trò tham gia vào các hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Nó làm thay đổi cấu trúc sinh lý hoặc bệnh lý của cơ thể để sửa chữa những tổn thương trong cơ thể, giúp tiên lượng bệnh tốt hơn. Thuốc giúp làm giảm các triệu chứng, phục hồi và điều chỉnh các chức năng của cơ thể”.
Theo luật sư Bình nhận định, kỹ thuật điều chế TPCN không cần quá cao, còn điều chế thuốc có một quy trình chặt chẽ và kỹ thuật phức tạp. Khác với TPCN, thuốc có những quy định rất chặt chẽ cần phải ghi rõ nguyên liệu chất hoặc hợp chất, có tính công dụng và luật định, sự chuyển hóa trong cơ thể đào thải ra sao, tác dụng phụ, hàm lượng…
Ông Diệp Năng Bình viện dẫn: Tại Điều 8 Luật quảng cáo đã nghiêm cấm các hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố. Như vậy, việc quảng cáo TPCN Scurma Fizzy gây nhầm lẫn là thuốc cho người tiêu dùng là đã vi phạm Luật quảng cáo.
Theo vị luật sư này, “Tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Luật quảng cáo và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đối với cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”.
Tại Điều 5, Nghị định 181/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của quảng cáo nêu rõ: Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc” và các quảng cáo phải nêu rõ “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”…
Thông tư số 09/2015/TT-BYT, Quy định xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế cũng quy định rõ: Không được quảng cáo thực phẩm dưới hình thức bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh. Không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín của đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh để quảng cáo thực phẩm.

Bảo Ngân

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN