Không cho sử dụng máy mượn, máy đặt, Bệnh viện Chợ Rẫy sẽ nghỉ khám?

Sáng 30/9, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM đã làm việc, khảo sát về thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc.

Cơ cấu giá viện phí không tính khấu hao trang thiết bị, máy móc y tế. Trong khi Bệnh viện Chợ Rẫy tự chủ từ năm 2009. Đến nay các đời máy đều đã cũ, lấy tiền đâu mua máy mới, bắt buộc phải dùng máy mượn, máy đặt, TS Nguyễn Nhật Hải, Trưởng phòng Tài chính Kế toán, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ. TS Hải nói thêm, mỗi loại điện thoại sẽ có đầu cắm khác nhau theo từng hãng máy, hóa chất đi theo máy xét nghiệm cũng tương tự.

Vì thế, khi đấu thầu hóa chất đóng, rất khó, thậm chí là không thể có đủ 3 bảng báo giá theo quy định đấu thầu hiện tại. Vô tình khi đấu thầu hóa chất lại tạo nên độc quyền, lại thêm một cái sai nữa.

TS Nguyễn Nhật Hải đề xuất, trong giai đoạn khi chưa cơ cấu khấu hao vào giá, cần phải cho phép máy đặt, máy mượn. Nếu không, bệnh viện phải đóng cửa vì hầu hết các hệ thống máy đều đặt và mượn, đi theo hóa chất đặc thù.

Tại các cơ sở y tế, bệnh viện nói chung, hơn 90% máy móc trang thiết bị theo hình thức mượn, đặt. Thời gian qua, Cơ quan Bảo hiểm Xã hội ngừng thanh toán BHYT cho dịch vụ chẩn đoán hình ảnh thực hiện trên máy mượn, máy đặt tại bệnh viện do các công ty cung cấp. Bộ Y tế cần hướng dẫn các bệnh viện chuyển sang thuê máy.

Việc BHYT ngừng thanh toán cho loại hình máy mượn, máy đắt, khiến nhiều bệnh viện phản ứng do ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám chữa bệnh của người dân.

Theo BS Trần Thành Vinh, Trưởng khoa Hóa sinh, hiện Bệnh viện Chợ Rẫy đang thiếu hóa chất, thiếu trang thiết bị theo các hình thức đặt máy, không đủ xét nghiệm để trả cho người bệnh. Điều này dẫn đến không đủ kết quả chẩn đoán để bác sĩ khám và điều trị bệnh nhân kịp thời.

“Tình trạng này còn tạo gánh nặng lớn cho công tác xét nghiệm. Ví dụ trước đây có thuốc thử, đủ hệ thống máy móc. Giờ thiếu, chỉ còn một hệ thống hoạt động, các hệ thống khác tạm dừng dẫn đến quá tải, nguy cơ sai sót,” BS Trần Thành Vinh băn khoăn.

Một vấn đề lớn nữa được đặt ra trong buổi làm việc nói trên là phần lớn trang thiết bị là máy đặt, máy mượn. Hình thức khác như thuê cũng chưa có hướng dẫn. Trong khi đó đối với hình thức cho tặng, các nhà cung cấp lớn chưa có chủ trương; bệnh viện cân nhắc tiếp nhận vì khi phải bảo trì bảo dưỡng sẽ vướng đấu thầu sửa chữa máy. Mua trang thiết bị máy mới, bệnh viện không có tiền.

Vì vậy, theo ý kiến của BS Trần Thành Vinh, hình thức máy mượn, máy đặt là hợp lý nhất, giúp cho lĩnh vực xét nghiệm rất nhiều.

BS Trần Thanh Tùng, Trưởng khoa Huyết học cũng đồng tình với quan điểm này. Theo ông, việc đặt máy, mượn máy giảm được gánh nặng chi phí nhà nước, phù hợp với quốc tế, được áp dụng ở nhiều nước giàu.

“Ở các quốc gia khác, máy đặt hay mượn trong 3 - 5 năm sẽ có hóa chất trọn gói 3 - 5 năm. Phần lớn máy móc hóa chất hiện nay là máy đóng, hóa chất vật tư đi kèm, không thể đem hóa chất máy này dùng cho máy kia, máy không thể vận hành hoặc nếu có cũng không cho kết quả chính xác,” BS Trần Thanh Tùng giải thích thêm.

Hơn thế nữa, chủ trương của Bộ Y tế là liên thông xét nghiệm vì vậy đòi hỏi kết quả chuẩn, máy móc xét nghiệm cũng phải chuẩn.

Ngoài ra, hiện chưa có quy định cập nhật giá thị trường. Trong hoàn cảnh dịch bệnh, biến động giá đã vượt ngoài khung mà Bộ Y tế quy định. Điển hình là sản phẩm liên quan đến nhựa PVC bị biến động bởi giá dầu thế giới.

"Gần đây, chúng tôi mới mua được bơm kim tiêm một cách chính thống. Cứ báo giá ngày hôm nay, làm xong kế hoạch nhưng 2 tháng sau, chính đơn vị báo giá đó không dự thầu nữa. Người ta nói là giá đã cũ rồi", TS Nguyễn Quốc Bình, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Chợ Rẫy nói.

Trước đó, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cũng đã làm việc với Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM). BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh chia sẻ, ưu điểm tự chủ tài chính là giúp bệnh viện chủ động xây dựng kế hoạch dài hạn; chủ động trong khám chữa bệnh, phát triển cơ sở y tế, đầu tư trang thiết bị...

Trong khi đó, cơ cấu giá khám chữa bệnh hiện nay áp dụng đối với bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế chưa được tính đúng, đủ và chỉ mới thu 4/7 phần chi phí thực tế.

Ba phần còn lại chưa được tính vào giá khám chữa bệnh là chi phí nhân sự gián tiếp; khấu hao thiết bị, máy móc; chi phí đào tạo, nghiên cứu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng.

“Bệnh viện càng làm càng thâm hụt và không có nguồn để tái đầu tư sơ sở vật chất, máy móc thiết bị ngày càng lạc hậu, không nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, không có nguồn đào tạo nhân lực và thu hút nguồn lực có chất lượng cao," BS Trần Văn Khanh chia sẻ.

An Quý

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN