VNA lỗ 4.000 tỷ, Vietjet lỗ 2.000 tỷ: Các doanh nghiệp hàng không sống 'vật vờ' mùa COVID-19

Chưa bao giờ các doanh nghiệp thuộc ngành hàng không đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay, doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh hoặc lỗ.

Theo đánh giá mới nhất của Bộ Tài chính, COVID-19 đã khiến ngành hàng không Việt Nam thiệt hại nghiêm trọng, số lượng khách hàng và số chuyến bay khai thác đều giảm mạnh.

Tính đến hết quý 2/2020, số chuyến bay các hãng giảm tới 32.700 chuyến, giảm 88,2% so với kế hoạch đề ra; số lượng khách vận chuyển giảm khoảng 5,67 triệu, giảm 89,3% so với kế hoạch.

Chuyến bay giảm, doanh thu giảm trong khi các doanh nghiệp hàng không vẫn phải gia tăng chi phí cố định để duy trì hoạt động, như: chi phí thuê máy bay, chi phí đậu đỗ và các chi phí thường xuyên khác…

Đó là những lý do khiến nhiều hãng bay báo lỗ trong quý 2 theo số liệu được công bố trên Báo cáo tài chính mà các hãng bay ghi nhận.

2 ông lớn lỗ nặng

Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ Vietnam Airlines (HVN) giảm 75% về mức 5.995 tỷ đồng, trong khi giá vốn chiếm đến 9.869 tỷ đồng. Kinh doanh dưới giá vốn khiến Vietnam Airlines ghi nhận lỗ gộp 3.874 tỷ đồng.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng đã tiết giảm các chi phí bán hàng cùng chi phí quản lý doanh nghiệp tuy nhiên phải ghi nhận lỗ 3.945 tỷ đồng trong quý 2/2020, cao hơn nhiều so với mức lỗ của quý 1 là 2.589 tỷ đồng.

Về dòng tiền, Vietnam Airlines báo dòng tiền hoạt động kinh doanh âm hơn 5.300 tỷ đồng trong khi cùng kỳ thì có dòng tiền dương 5.300 tỷ đồng. Theo đó dòng tiền thuần trong kỳ ở mức 355 tỷ đồng.

Tính đến hiện tại, Công ty chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020, tuy vậy theo dự báo, sản lượng hợp nhất toàn Tổng công ty năm 2020 sẽ giảm 48% so với 2019; doanh thu giảm 50.000 tỷ đồng; lỗ gần 20.000 tỷ đồng/tháng, sau cắt giảm chi phí còn lỗ khoảng 15.000-16.000 tỷ đồng.

Trong đó, đáng lo ngại nhất là nếu không nhận được khoản hỗ trợ khẩn cấp từ Chính phủ trị giá 12.000 tỷ đồng, Vietnam Airlines sẽ mất thanh khoản vào tháng 8/2020.

Còn với hãng bay của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo – Vietjet Air (VJC), doanh thu thuần trong quý 2 lao dốc gần 61% xuống còn 4.969 tỷ đồng. Trong khi đó giá vốn chiếm tới 5.079 tỷ đồng khiến hãng hàng không này lỗ gộp 109 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gộp 1.205 tỷ đồng.

Tuy nhiên nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt gấp hơn 8 lần lên 1.174 tỷ đồng. Cộng thêm lợi nhuận khác 413 tỷ đồng, gấp gần 22 lần.

Vì thế dù lỗ từ liên doanh liên kết gần 40 tỷ đồng nhưng Vietjet vẫn lãi ròng 1.062 tỷ đồng, gấp 1,7 lần cùng kỳ. Riêng công ty mẹ lỗ ròng 6 tháng tới 2.112 tỷ đồng.

Theo Vietjet, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp lên ngành hàng không toàn cầu và là nguyên nhân chính cho sự sụt giảm về nhu cầu đi lại giữa các quốc gia trên thế giới, Việt Nam không phải ngoại lệ.

Mặc dù có có do lệnh cách ly trên toàn xã hội để tránh dịch bệnh trong tháng 4, Vietjet vẫn đạt được hơn 300 chuyến bay chuyên dụng cho hàng hoá và thực hiện 14.000 chuyến bay trong quý 2.

Ngoài ra, Vietjet vẫn phải duy trì chi phí cố định để chuẩn bị nguồn lực khi thị trường quay lại, nên lợi nhuận vận tải hàng không âm 1.122 tỷ đồng trong quý 2.

Mặt khác, nhằm gia tằng dòng tiền hỗ trợ hoạt động kinh doanh, Vietjet tích cực tìm kiếm các đối tác và đã thực hiện giải pháp thương mại tài chính tàu bay tạo ra nguồn lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.063 tỷ đồng, tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.

VNA lo 4.000 ty, Vietjet lo 2.000 ty: Cac doanh nghiep hang khong song 'vat vo' mua COVID-19
 

Công ty dịch vụ liên quan đến hàng không cũng lao đao

Phụ thuộc vào hành khách trên các chuyến bay, các dịch vụ liên quan đến hàng không cũng không thể kinh doanh khởi sắc trong quý 2 vừa qua.

Đầu tiên phải kể đến “ông lớn” Cảng Hàng không Việt Nam - ACV lỗ ròng đến 354 tỷ đồng trong khi cùng kỳ có lãi 1.719 tỷ đồng, con số lỗ này phần lớn đến từ tác động tiêu cực của COVID-19. Đây cũng là quý thua lỗ đầu tiên của ACV khi Công ty này giao dịch trên UPCoM.

Con số lỗ đã được tiên đoán trong ĐHĐCĐ thường niên 2020 khi Tổng Giám đốc Vũ Thế Phiệt cho biết dự kiến quý 2 sẽ lỗ khoảng 400 tỷ, chưa tính tới doanh thu tài chính.

Để có lợi nhuận trong năm 2020 là nhiệm vụ hết sức khó khăn. ACV quyết tâm không lỗ là không lỗ về hoạt động kinh doanh cốt lõi và chưa tính tới phần doanh thu tài chính. Nếu có khách du lịch quốc tế trong quý 3/2020, lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi có thể hơn 50 tỷ đồng.

Công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco, SAS) cũng báo lãi quý 2/2020 đạt 36 tỷ đồng, lao dốc tới 80% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu giảm đến 91% về mức 60 tỷ đồng, biên lãi gộp của Sasco cũng giảm từ 50% xuống còn 38%.

Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn (SCSC, SCS) lại ghi nhận lợi nhuận trong quý thấp nhất kể từ quý 2/2018. Cụ thể, doanh thu thuần báo đạt hơn 144 tỷ đồng, giảm 24%.

Trong các mảng kinh doanh, mảng khai thác nhà ga bị tác động mạnh nhất, giảm từ hơn 176 tỷ đồng xuống còn 133 tỷ đồng, tương đương với mức giảm hơn 24%, mảng cho thuê sân đậu máy bay giảm từ 1,7 tỷ về còn 81 triệu.

Trong kỳ doanh thu tài chính là điểm sáng khi ghi nhận gần 13 tỷ đồng, gấp 3 lần so cùng kỳ tuy vậy vẫn không đủ sức cải thiện kết quả kinh doanh của Công ty.

Theo đó lãi ròng của SCS vẫn giảm 22% về 100 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ quý 2/2018.

Suất ăn hàng không Nội Bài (NCS) còn đối mặt với tình trạng thua lỗ sau nhiều năm báo lãi lớn, doanh thu thuần quý 2 đạt chưa đến 32 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó doanh thu đối với bên liên quan là Vietnam Airline đạt 27,8 tỷ đồng, giảm sâu so với doanh thu 94 tỷ đồng ghi nhận trong quý 2 năm ngoái.

Doanh thu giảm, nhưng chi phí vẫn phải duy trì, do vậy Suất ăn hàng không Nội Bài lỗ gộp gần 10 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Trừ thêm chi phí khác, Công ty lỗ 19 tỷ đồng trong quý 2/2020, trong khi quý 2 năm ngoái vẫn lãi sau thuế 11 tỷ đồng.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN