Vietcombank, VietinBank, ACB, MB bị hạ triển vọng tín nhiệm do tác động của COVID-19

Do là kênh trung gian trong việc cứu trợ tài chính cho nền kinh tế, Fitch Ratings cho rằng ngành ngân hàng Việt Nam sẽ chịu phần lớn gánh nặng chính sách.
Fitch Ratings vừa công bố hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của VietinBank, Vietcombank và ANZ Việt Nam từ "tích cực" xuống "ổn định" và 2 ngân hàng thương mại cổ phần là ACB và MB xuống "tiêu cực" từ mức "ổn định".
Động thái này xuất phát từ số liệu tăng trưởng thấp, dù tích cực của kinh tế Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và có thể tác động tiêu cực đến hoạt động tín dụng của các ngân hàng trong thời gian tới. Fitch Ratings mong đợi sự phục hồi kinh tế vững chắc vào năm 2021, dù những tác động xấu từ đại dịch sẽ vẫn còn kéo dài đối với các ngân hàng.
GDP của Việt Nam tăng chậm lại, đạt 3,82% trong quý I so với mức 7% của quý IV/2019 và Fitch dự báo tăng trưởng cả năm ở mức 3,3%, thấp nhất từ năm đầu tiên sau cải cách 1987. Cú sốc kinh tế từ đại dịch sẽ khiến thất nghiệp gia tăng và có thể nhanh chóng đưa một lượng lớn lao động phi chính thức và chủ các doanh nghiệp siêu nhỏ vào tình trạng khó khăn tài chính nghiêm trọng.
Vietcombank, VietinBank, ACB, MB bi ha trien vong tin nhiem do tac dong cua COVID-19
 
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã cắt giảm lãi suất điều hành và chỉ đạo các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho những người đi vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đồng thời nới lỏng các quy định về phân loại và trích lập dự phòng. Do đó, ngành ngân hàng đã trở thành kênh trung gian quan trọng trong việc cứu trợ tài chính và có thể sẽ chịu phần lớn gánh nặng chính sách.
Fitch đã hạ điểm môi trường hoạt động của Việt Nam từ 'BB-' xuống 'B +' nhưng vẫn giữ triển vọng ổn định với dự đoán rằng sự chậm lại trong các hoạt động kinh tế chỉ trong ngắn hạn và sẽ phục hồi vào năm 2021 với dự báo tăng trưởng ở mức 7,3%. Theo Fitch, sự thiếu hụt của động lực kinh tế mà các ngân hàng tại Việt Nam phải đối mặt trong những năm gần đây sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tài sản và thu nhập. Hơn nữa, khẩu vị rủi ro, vốn hóa và điểm số quản trị giảm có thể sẽ gây áp lực cho các ngân hàng trong việc thực hiện những khoản cho vay hỗ trợ.
Triển vọng chất lượng tài sản cũng bị hạ từ ổn định xuống tiêu cực cho tất cả các ngân hàng Việt Nam mà cơ quan xếp hạng tín dụng này thực hiện đánh giá sức mạnh độc lập. Đánh giá tiêu cực này cũng xem xét đến yếu tố tăng trưởng tín dụng nhanh của các ngân hàng trong những năm gần đây, đặc biệt là cho vay tiêu dùng và cho vay không có tài sản bảo đảm. Tại một số ngân hàng, các khoản dự phòng rủi ro tín dụng chưa đủ, khiến cho bộ đệm tài chính vẫn cònmỏng. Nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục phải nắm giữ trái phiếu của Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC).
Fitch nhận định lợi nhuận của các ngân hàng sẽ chịu áp lực đáng kể do nhu cầu tín dụng giảm và lãi suất cho vay thấp hơn sau khi NHNN tuyên bố cắt giảm lãi suất và yêu cầu các ngân hàng chung tay hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, lãi suất tiền gửi không giảm quá nhiều do đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền. Tăng trưởng tín dụng chậm hơn và thu nhập từ phí thấp hơn, đồng nghĩa các ngân hàng có thu nhập lõi thấp hơn để chi trả cho các chi phí tín dụng. Đây là lý do Fitch hạ triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng xuống mức tiêu cực.
Sự yếu kém do bộ đệm vốn mỏng đã được Fitch cảnh báo khi một số ngân hàng vẫn đang cố gắng đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của Basel II. Triển vọng về cơ cấu vốn của hầu hết các ngân hàng được Fitch xếp hạng triển vọng là ổn định với hy vọng lợi nhuận sẽ đủ để để hỗ trợ tăng trưởng bảng cân đối kế toán.
VietinBank là ngân hàng duy nhất bị đánh giá triển vọng vốn hóa Tiêu cực do chất lượng tài sản yếu hơn so với các ngân hàng nội khác.
Theo Trâm Anh/NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN