Vì sao TPBank ‘chịu lỗ’ khi mua cổ phiếu Chứng khoán Tiên Phong?

TPBank sẽ mua 4 triệu cổ phiếu ORS với giá 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi thị giá cổ phiếu này chỉ vỏn vẹn 6.000 đồng/cổ phiếu.

Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank, HoSE: TPB) vừa quyết định mua cổ phiếu trong đợt phát hành của Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong (ORS).

Theo đó, TPBank sẽ mua 4 triệu cổ phiếu ORS với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị 40 tỷ đồng.

Số lượng cổ phiếu TPBank sở hữu sau đợt phát hành là 4 triệu cổ phiếu, tương ứng chiếm 9.09% vốn điều lệ của ORS.

Thời gian thực hiện trong quý 4/2019. Nguồn vốn sử dụng để mua số cổ phiếu này là từ vốn chủ sở hữu.

Số cổ phần TPBank mua này nằm trong kế hoạch phát hành 10 triệu cp riêng lẻ của ORS với giá 10,000 đồng/cp để tăng vốn lên 500 tỷ đồng.

Trong khi đó, trên sàn UPCoM, cổ phiếu ORS chỉ giao dịch quanh mốc 6,000 đồng/cp (tính đến 11h sáng 3/10/2019), thấp hơn rất nhiều so với mức giá chào bán cho cổ đông chiến lược. Khối lượng giao dịch cổ phiếu ORS không hề cao, chỉ vỏn vẹn 3.992 cổ phiếu/phiên tính bình quân trong tháng qua.

Về hoạt động kinh doanh, ORS cũng không phải là gương mặt sáng giá, thậm chí còn rất thảm hại khi lỗ liên tiếp 3 năm (2016-2018). Tình hình có sáng sửa hơn trong 6 tháng 2019 với lợi nhuận sau thuế gần 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên với kế hoạch cả năm 2019 lợi nhuận trước thuế gần 51 tỷ đồng thì mức độ thực hiện còn xa vời vợi.

Vi sao TPBank ‘chiu lo’ khi mua co phieu Chung khoan Tien Phong?
 TPBank chính thức mua cổ phần của ORS.

Chứng khoán Tiên Phong tiền thân là Chứng khoán Phương Đông, được đổi tên vào tháng 3/2019.

Trước đó, do thua lỗ 3 năm liên tiếp nên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã quyết định hủy niêm yết toàn bộ 24 triệu cổ phiếu ORS từ 10/4/2019.

Theo ORS, do bị tác động tiêu cực từ vụ án của Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn, nên thương hiệu và hoạt động của công ty bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đồng thời diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi trong những năm vừa qua góp phần làm hoạt động tự doanh của công ty chưa hiệu quả. Ngoài ra công ty còn phải trích lập dự phòng cho khoản phải thu 380 tỷ đồng từ vụ án Huyền Như.

Chứng khoán Phương Đông đã đưa ra phương án khắc phục rằng đã tiến hành đàm phán với các bên liên quan khoản phải trả 380 tỷ đồng, tái cấu trúc tài chính, sử dụng thặng dư vốn cổ phần để bù cho phần lợi nhuận sau thuế chưa phân phối nhằm giảm lỗ lũy kế, đồng thời phát hành riêng lẻ cổ phiếu tăng vốn điều lệ, nhằm nâng tỷ lệ an toàn tài chính…

Với các giải trình chi tiết trên ORS mong muốn được duy trì niêm yết tại HNX trong thời gian tới. Tuy nhiên công ty vẫn phải rời sàn niêm yết HNX trong gần 1 tháng tới đây theo quy định.

Ngay trước khi rời sàn, ORS đã kịp phát hành riêng lẻ thành công 16 triệu cổ phiếu cho 2 nhà đầu tư cá nhân là bà Vũ Lê Thùy Linh và bà Nguyễn Thị Minh Loan, mỗi người mua 8 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động được 160 tỷ đồng. Đồng thời tăng vốn điều lệ công ty từ 240 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN

Nguyễn Thị Lệ Tùng
Hy vọng ORS không giống các cổ phiếu của tỷ phú Trịnh Văn Quyết. TPBank là ngân hàng lớn, không làm bậy đâu.
Nguyễn Thị Lệ Tùng
Bạn Hải Trần nói rất chính xác. Trên TTCKVN có khá nhiều DN dạng như vậy. Ai đã từng tham gia thị trường chứng khoán chắc cũng biết. Đặc điểm chung của các công ty này như sau: 1. Có một nhóm cổ đông (ẩn danh, mỗi cổ đông nắm giữ dưới 5% để không là cổ đông lớn) nắm giữ lượng lớn cổ phần, chi phối hoạt động, nắm quyền điều hành công ty. Họ có toàn quyền điều chuyển dòng tiền trong Công ty; 2. Mục đích tăng vốn thông thường là "Bổ sung nguồn vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh"; 3. Lượng tiền mặt luôn tồn lớn trên BCTC trong các kỳ báo cáo sau tăng vốn, hoặc: 4. Dòng tiền tăng vốn sẽ được góp vào các dự án, khoản mục đầu tư được định giá rất cao (ảo) nhằm điều chuyển dòng tiền ra khỏi công ty, và: 5. Sau thời gian rất ngắn (1 đến 2 quý) sau tăng vốn, thường các DN này sẽ hạch toán lỗ và lỗ dần dần cho đến khi hết khoản tiền được tăng vốn. Giải pháp: - Siết chặt các quy định trong việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ; - Kiểm soát chặt chẽ dòng tiền của các DN sau tăng vốn; - Thanh kiểm tra định kỳ các khoản tiền lớn (các khoản đầu tư, tạm ứng, chi phí bất thường,...) Mong Bộ Tài chính, UBCKNN, thậm chí là Bộ Công An nhanh chóng vào cuộc nhằm bảo vệ các Nhà đầu tư, đảm bảo tính minh bạch cho TTCKVN.
Hải Trần
Câu chuyện rất cũ. Có những doanh nghiệp giá có vài ngàn nhưng vẫn phát hành thành công lượng lớn cổ phiếu giá 10.000 đồng/cp. Và sau khi phát hành thành công, giá cổ phiếu giao dịch vẫn vài ngàn đồng mà chẳng NĐT nào thèm mua. Chuyện gì đang xảy ra vậy ? Nếu tiền vẫn nằm trên BCTC ở cuối kỳ thì chắc chắn trong kỳ thì tiền sẽ được điều đi chỗ khác để sinh lãi cho "ông chủ", cuối kỳ cho quay về đẹp sổ. Nếu chú ý sẽ thấy, dù lượng tiền mặt dồi dào (sau tăng vốn) nhưng cuối kỳ thì không có đồng nào từ lãi tiền gửi tương ứng với lượng tiền mặt ở đầu và cuối kỳ. Vậy giữa kỳ tiền đi đâu ? DN dùng để làm gì ? Hoặc là, số tiền tăng vốn sẽ được treo vào 1 vài dự án của Công ty, vàNĐT dài cổ đợi đến mùa quýt thì dự án sẽ mang lại hiệu quả, hoặc thậm chí dự án phá sản luôn thì coi như "ông chủ" không mất đồng nào mà sở hữu được một đống cổ phiếu. Bán giá nào trên sàn cũng lời.