Thấy gì từ chính sách ngân hàng 2019 và kỳ vọng cho 2020?

2019 là năm của ngành ngân hàng khi hàng loạt chính sách quan trọng được thực thi từ giảm lãi suất điều hành đến siết vốn vay trung - ngắn hạn và tiêu dùng…

Hạ lãi suất điều hành sau hơn 2 năm

Tháng 9/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chính thức giảm lãi suất điều hành.

Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,25% xuống 6%/năm, lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4,25% xuống 4%/năm.  

Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng giảm từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm.

Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm.

Nguyên nhân của việc điều hành tiền tệ như vậy là do bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến kém thuận lợi hơn, nhiều ngân hàng trung ương các nước giảm lãi suất điều hành Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). 

Thay gi tu chinh sach ngan hang 2019 va ky vong cho 2020?
 

Sau 5 năm, hạ trần lãi suất huy động

Chỉ sau 2 tháng khi hạ lãi suất điều hành, tháng 11, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hạ trần lãi suất huy động sau 5 năm (từ tháng 10/2014).

Lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1%/năm xuống 0,8%/năm. Lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,5%/năm xuống 5%/năm.

Việc giảm trần lãi suất vào thời điểm gần cuối năm cho thấy sự thận trọng từ phía nhà điều hành trong đánh giá tác động của việc giảm lãi suất tới sự ổn định vĩ mô vì lãi suất huy động, cho vay có tầm ảnh hưởng tới toàn bộ chủ thể nền kinh tế, không chỉ gói gọn trong hệ thống ngân hàng.

Ngoài ra, Chứng khoán SSI cho rằng đây là sự điều chỉnh hướng tới mục tiêu giảm ít nhất 0,5 điểm phần trăm lãi suất cho vay trong năm 2020 mà Thủ tướng từng đưa ra trước Quốc hội.

Lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn

Cũng trong tháng 11 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước công bố lộ trình để từng bước siết chặt tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung và dài hạn từ năm 2020 đến 2022 giảm từ 40% xuống còn 30%.

Từ 1/10/2020 đến 30/9/2021, tỷ lệ này là 37% và giảm còn 34% trong giai đoạn 1/10/2021 - 30/9/2022, sau 1/10/2022 là 30%.

Đây là nội dung của thông tư số 22 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Ngân hàng Nhà nước cho biết việc siết dòng vốn ngắn hạn cho vay, trung dài hạn sẽ từng bước kiểm soát được rủi ro thanh khoản, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước những thay đổi từ trong và ngoài nước, giúp ổn định hoạt động, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn áp dụng hệ số rủi ro từ 50% - 150% đối với các khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống.

Trong đó, điểm đáng chú ý là khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên chịu hệ số rủi ro là 150%.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước siết mạnh cho vay bất động sản khi tăng hệ số rủi ro từ 150% lên 200% so với hiện nay.

Siết cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính

Trong Thông tư 18/2019, Ngân hàng Nhà nước quy định lộ trình giảm tỷ lệ dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại công ty tài chính so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng.

Lộ trình quy định giới hạn giải ngân trực tiếp trong tổng dư nợ là 70% trong năm 2021, 60% năm 2022, 50% cho năm 2023 và 30% từ năm 2024.

Các công ty tài chính sẽ có thời gian tái cấu trúc danh mục cho vay, tránh ảnh hưởng đột ngột đến biên lãi ròng và lợi nhuận.

Hiện tại, cho vay tiền mặt và thẻ tín dụng chiếm 83% dư nợ của FE Credit còn HDSaison không có mảng thẻ tín dụng và tỷ lệ cho vay tiền mặt vào khoảng 1/3 tổng dư nợ.

Thực tế, việc đưa ra các quy định để kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các Công ty tài chính tiêu dùng là cần thiết khi cho vay giải ngân trực tiếp là loại hình vay tín chấp, thủ tục nhanh và không cần chứng minh mục đích vay.

Đây cũng là phân khúc dễ phát triển dư nợ, nhưng rủi ro cao và khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay. Đặc biệt trong môi trường cạnh tranh gia tăng, các công ty tài chính tiêu dùng sẽ đẩy mạnh tỷ trọng cho vay tiền mặt trong danh mục tín dụng để nhanh chiếm lĩnh thị phần.

Kỳ vọng gì cho năm 2020?

Nhận định về năm 2020, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ ổn định, không tăng thêm so với cuối 2019.

Mặt bằng lãi suất huy động nói chung sẽ vẫn duy trì ở mức như hiện tại, khó có khả năng giảm sâu tại các ngân hàng chưa đáp ứng được các yêu cầu về an toàn vốn (bắt đầu từ 2020, Basel II được áp dụng cho toàn bộ hệ thống và hiện mới chỉ có khoảng 18/38 ngân hàng đạt chuẩn này) cũng như lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 40% hiện nay về mức 30% kể từ 1/10/2022.

Tuy nhiên, thách thức lớn cho chính sách tiền tệ năm 2020 đến từ xu hướng bật tăng trở lại của lạm phát.

BVSC cho rằng dù CPI có thể sẽ không tăng cao lên mức quá rủi ro nhưng cũng là một trở ngại khiến NHNN khó mạnh tay trong việc cắt giảm thêm các loại lãi suất điều hành như trần lãi suất huy động, lãi suất OMO, lãi suất tín phiếu…, nhất là trong quý 1/2020.

Trong kịch bản lạm phát hạ nhiệt dần trong quý 2/2020, Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa để xem xét cắt giảm các loại lãi suất điều hành nếu tăng trưởng GDP chậm lại đáng kể.

Đối với thế giới, BVSC cho rằng chính sách tiền tệ của Fed trong năm 2020 được đánh giá vẫn theo hướng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế với kỳ vọng sẽ giữ nguyên như mức hiện nay, thậm chí vẫn có khả năng cắt giảm thêm nếu triển vọng kinh tế suy giảm với các rủi ro gia tăng.

Khả năng Fed tăng lãi suất trở lại trong năm 2020 là rất thấp.

Trên cơ sở đó, chính sách tiền tệ của NHTW các nước khác được nhận định sẽ không còn cắt giảm lãi suất đồng loạt như năm 2019 mà đa phần cũng sẽ “nương theo” Fed, tạm dừng tiền trình giảm lãi suất.

Tuy nhiên, một vài nền kinh tế hồi phục yếu mà dư địa còn nhiều vẫn có thể cắt giảm thêm lãi suất.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN