Sacombank không đề cập chia cổ tức trong tài liệu họp cổ đông

Về phương án phân phối lợi nhuận, Sacombank có 7,469 tỷ đồng lợi nhuận sử dụng để phân phối. Sau khi trích lập các quỹ, Ngân hàng còn 5,716 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất sau thuế. 

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (STB) vừa công bố tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 với kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận và bầu thêm 1 thành viên BKS.

Điểm cuối của hành trình tái cơ cấu

Năm 2023, Sacombank đạt được 9,595 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng hơn 51% so với năm trước và hoàn thành kế hoạch đặt ra. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức 2.1%, tăng 1.18% so với đầu năm, trong bối cảnh rủi ro tín dụng gia tăng và khả năng trả nợ của khách hàng suy giảm. Tuy nhiên, chất lượng tín dụng nhìn chung vẫn được kiểm soát khi tỷ lệ nợ xấu tổng thể giảm 0.16%.

Về công tác xử lý nợ xấu, năm 2023, Sacombank thu hồi xử lý 7,941 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó 4,487 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, kéo giảm tỷ trọng trong tổng tài sản xuống còn 3%. Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định, tổng số dư dự phòng đạt 25,099 tỷ đồng, tăng hơn 10%, trong đó dự phòng cho vay tăng 34%.

Lãi trước thuế 2024 đạt 10,600 tỷ đồng, tăng 10%

Năm 2024, dự báo các rủi ro tiềm ẩn từ yếu tố vĩ mô vẫn còn hiện hữu. Tuy nhiên, khi nội lực đã được tích lũy, ở điểm cuối của hành trình tái cơ cấu tại Sacombank đã rất cận kề, Sacombank sẽ tiếp tục tăng lực để khép lại trọn vẹn lộ trình tái cơ cấu thành công và bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều mục tiêu cao hơn. Sacombank đặt mục tiêu trọng tâm cho năm mới:

(1) Gia tăng quy mô và hiệu quả tất cả các đơn vị trên toàn hệ thống, bảo đảm hệ thống hoạt động an toàn, hiệu quả.

(2) Đột phá trong kinh doanh, xây dựng và hoàn thiện các điểm giao dịch số.

(3) Tiếp tục công tác chuyển đổi số, gia tăng tiện ích sản phẩm dịch vụ mang đến trải nghiệm và bảo mật khách hàng.

(4) Giảm tỷ lệ nợ xấu tổng thể dưới 3%, hoàn thành và chấm dứt Đề án tái cơ cấu sau sáp nhập.

(5) Thực hiện các thủ tục chia cổ tức cho cổ đông từ nguồn lợi nhuận giữ lại nhằm tăng năng lực tài chính đưa Sacombank là 1 trong những ngân hàng bán lẻ hàng đầu.

Sacombank cho biết tự tin xử lý dứt điểm các vấn đề còn tồn đọng nhằm hoàn tất tái cơ cấu trước thời hạn, do đó đặt ra các mục tiêu tăng trưởng so với năm 2023. Tổng tài sản đặt ra đến cuối năm 2024 đạt 724,100 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Tổng nguồn vốn huy động đạt 636,600 tỷ đồng, tăng 10%.

Tổng dư nợ tín dụng đạt 535,800 tỷ đồng, tăng 11% và sẽ điều chỉnh theo mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước phân bổ. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Lợi nhuận trước thuế đặt ra cho năm 2024 là 10,600 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả năm 2023.

Sacombank khong de cap chia co tuc trong tai lieu hop co dong-Hinh-2


Lợi nhuận giữ lại lũy kế 18,387 tỷ đồng

Về phương án phân phối lợi nhuận, Sacombank có 7,469 tỷ đồng lợi nhuận sử dụng để phân phối. Sau khi trích lập các quỹ, Ngân hàng còn 5,716 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất sau thuế.

Cộng với gần 12,671 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại năm trước, Sacombank có 18,387 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.

ĐHĐCĐ 2024 sắp tới, Sacombank cũng dự trình bầu bổ sung thêm 1 thành viên BKS, nâng tổng số lượng thành viên BKS nhiệm kỳ 2022-2026 lên 5 thành viên.

Vừa qua, Sacombank vừa dính tin đồn liên quan đến Chủ tịch Dương Công Minh làm cho lượng giao dịch cổ phiếu STB trên sàn HOSE tăng kỷ lục. Bộ Công An cũng đã có phản hồi các đồn đoán xung quanh Chủ tịch Sacombank là sai sự thật.

Dù vậy, giá cổ phiếu STB cũng được quan tâm đặc biệt những ngày qua. Chốt phiên 05/04, giá cổ phiếu STB dừng ở mức 29,600 đồng/cp, tăng 6% so với đầu năm. Thanh khoản bình quân trên 22 triệu cp/ngày.

Theo Hàn Đông/FILI

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN