Quý 1, doanh nghiệp bất động sản vẫn 'siêng' phát hành trái phiếu

Theo báo cáo về thị trường trái phiếu trong quý 1/2020 của Chứng khoán Sài Gòn (SSI), các doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đóng vai trò chủ đạo.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn khá sôi động trong quý 1

Theo SSI, quý 1 thường là quý thấp điểm phát hành trong năm do có Tết Nguyên đán và là giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh, kế hoạch tài chính của các doanh nghiệp. 

Riêng năm nay, các doanh nghiệp còn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng lượng phát hành vẫn tăng trưởng khoảng 39% so với cùng kỳ 2019. 

Cụ thể, có tổng cộng 47.5 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành trong quý 1. Trong đó gồm 5.000 tỷ đồng phát hành ra công chúng của CTCP Tập đoàn Masan (MSN), còn lại là 256 đợt phát hành riêng lẻ của 17 doanh nghiệp niêm yết và 48 doanh nghiệp chưa niêm yết. 

Nhóm các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về khối lượng phát hành với tổng cộng 23.202 tỷ đồng, chiếm tới 49% khối lượng phát hành toàn thị trường trong quý 1 và tăng 9.8% so cùng kỳ. 

Nhóm ngân hàng chỉ phát hành 940 tỷ đồng (chiếm 2.3%) gồm 230 tỷ đồng trái phiếu 10 năm của ACB và 710 tỷ đồng trái phiếu 7 năm của TPBank. Cơ cấu phát hành khá tương đồng so với cùng kỳ 2019. 

Trái phiếu bất động sản tăng gần 10%

Trong quý 1/2020, có 33 doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 23.2 nghìn tỷ đồng trái phiếu, tăng 9.8% so cùng kỳ và bằng 18.3% tổng lượng phát hành năm 2019. 

Quy 1, doanh nghiep bat dong san van 'sieng' phat hanh trai phieu
 

Theo bảng công bố thông tin phát hành của các doanh nghiệp, các NHTM mua vào 4.348 tỷ đồng, tương đương 19.5% lượng trái phiếu bất động sản phát hành trong quý 1/2020.

Trong đó, nhiều nhất là VPB với 1.598 tỷ đồng trái phiếu các kỳ hạn từ 18-30 tháng của CTCP City Garden và 500 tỷ đồng trái phiếu các kỳ hạn 24 và 36 tháng của CTCP TM-DL-ĐT Cù Lao Chàm. 

Một số lô trái phiếu chỉ ghi bên mua là tổ chức trong nước nhưng lãi suất tham chiếu lấy theo lãi suất tiết kiệm của 1 ngân hàng cụ thể và chính ngân hàng đó là đại lý quản lý tài sản đảm bảo, đại lý lưu ký cho trái phiếu. Nhiều khả năng ngân hàng đó chính là bên mua trái phiếu. Nếu tính cả những trái phiếu này, lượng trái phiếu doanh nghiệp BĐS mà các NHTM mua trong quý 1/2020 là hơn 6.050 tỷ đồng. 

Tóm lại, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang tăng trưởng tốt về khối lượng phát hành trong Q1.2020 nhưng lãi suất phát hành tăng lên. Các doanh nghiệp đang đối mặt với rủi ro chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19 nên nhà đầu tư cũng yêu cầu mức lãi suất cao hơn với các trái phiếu. 

SSI cho rằng nhu cầu phát hành trong quý 2?2020 có thể sẽ giảm do dịch bệnh ảnh hưởng lên kế hoạch tài chính nhưng sẽ tăng mạnh trong quý 3 khi dịch bệnh được kiểm soát (trong kịch bản cơ sở). 

Nhóm NHTM sẽ không phát hành nhiều như năm 2019 và tập trung vào kỳ hạn dài 7-10 năm để tăng vốn cấp 2 thay vì các kỳ hạn 2-3 năm như trước; trong khi đó, nhu cầu phát hành của các nhóm khác vẫn cao, đặc biệt là nhóm bất động sản. Lãi suất phát hành sẽ duy trì ở vùng hiện tại do phần bù rủi ro cao nhưng dài hạn có thể điều chỉnh giảm, phù hợp với xu hướng giảm của lãi suất tiền gửi. 

Mức chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu và tiền gửi hiện tại lên tới 4%/năm đã hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân tham gia nhiều hơn vào thị trường. Nhưng ngoài lãi suất, các nhà đầu tư cần hết sức lưu ý đến khả năng thanh toán, thanh khoản và sức chịu đựng qua thời kỳ dịch bệnh của các doanh nghiệp. 

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN