Nhận khoản vay 100 triệu USD từ IFC, VIB thống nhất kế hoạch tái cơ cấu

VIB vừa có loạt hoạt động đáng chú ý như nhận khoản vay nước ngoài 100 triệu USD từ IFC, ĐHCĐ bầu thành viên ban kiểm soát mới và thông qua kế hoạch tái cơ cấu.
Ngân hàng TMCP Quốc Tế (HoSE: VIB) vừa cho biết đã ký kết một khoản vay nước ngoài trị giá 100 triệu USD (2,3 nghìn tỷ đồng) có kỳ hạn 5 năm với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC). Khoản vay này nằm trong kế hoạch của VIB từ đầu năm mà ngân hàng dự kiến vào quý 1/2023.
Mục đích của khoản cấp vốn này là hỗ trợ VIB đẩy mạnh cho vay cá nhân mua, xây, sửa nhà. VIB sẽ dành ít nhất 30 triệu USD (700 tỷ đồng) để tài trợ cho các khoản vay mua nhà dưới 55.600 USD (khoảng 1,3 tỷ đồng).
VIB không cho biết cụ thể chi phí huy động vốn nhưng cho biết chi phí huy động thấp hơn so với huy động vốn kỳ hạn 5 năm trong nước. Ngoài ra, chi phí huy động khoản vay này gần bằng với chi phí huy động của khoản vay nước ngoài trị giá 150 triệu USD nhận được từ IFC vào tháng 10/2022.
Theo thống kê của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tính đến quý 1/2023, VIB đã nhận được khoảng 800 triệu USD vốn nước ngoài từ IFC và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) so với tổng kế hoạch dài hạn lên tới 2 tỷ USD, trong đó 250 triệu USD là các khoản vay dài hạn nước ngoài từ IFC và khoảng 550 triệu USD là các khoản vay hợp vốn nước ngoài từ IFC, ADB và các đối tác khác. Ngoài ra, VIB còn được IFC cấp hạn mức tài trợ thương mại 200 triệu USD (đây là vốn ngắn hạn và chưa giải ngân).
Theo VIB, tiền gửi của khách hàng có chi phí cao hơn so với khoản vay nước ngoài. VCSC tin rằng khoản vay nước ngoài này có thể hỗ trợ chi phí vốn của VIB thông qua việc giảm áp lực lên ngân hàng trong việc thu hút tiền gửi dài hạn của khách hàng để đảm bảo nguồn vốn ngắn hạn cho vay trong trung và dài hạn dưới mức trần quy định là 34%. Tỷ lệ vốn ngắn hạn/cho vay trung và dài hạn của VIB đạt 28% trong quý 1/2023.
VIB cũng đang trong giai đoạn cuối cùng hoàn tất việc nâng cấp hợp tác bancassurance độc quyền với Prudential và kết quả có thể sớm được công bố chính thức. VCSC kỳ vọng VIB sẽ nhận được thêm 1 khoản phí hỗ trợ bancassurance từ thương vụ này, điều này sẽ giúp nâng cao vốn cấp 1 của VIB.
Nhan khoan vay 100 trieu USD tu IFC, VIB thong nhat ke hoach tai co cau
 
Trong một động thái khác, ngày 15/6, VIB đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường bầu bổ sung bà Nguyễn Thùy Linh làm Thành viên Ban kiểm soát (BKS) thứ ba nhiệm kỳ 2023-2027. Đồng thời thông qua kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng theo Quyết định số 1382/QĐ/NHNN về phương án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, các điểm chính trong kế hoạch của VIB gồm: Nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng, hiệu quả hoạt động, quản trị kinh doanh và tính minh bạch trong hoạt động; Hiện đại hóa ngân hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh; Xây dựng mô hình ngân hàng số, triển khai hiệu quả kế hoạch chuyển đổi số; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; Tiếp tục áp dụng và triển khai Basel II, Basel II nâng cao đến năm 2025; Mở rộng mạng lưới; Mở rộng quy mô, lĩnh vực kinh doanh theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; 
Nâng cao hiệu quả phân bổ vốn tín dụng, thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, công nghiệp sản xuất và tiêu dùng carbon thấp; Giải pháp đẩy mạnh hoạt động dịch vụ phi tín dụng; Khuyến khích tham gia M&A với các tổ chức tín dụng khác trên cơ sở tự nguyện và phù hợp với quy định của pháp luật nhằm tăng quy mô hoạt động, năng lực cạnh tranh và đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng; Tham gia thực hiện cơ chế hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém; Xử lý nợ xấu.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN