Kỳ vọng gì từ M&A ngân hàng mạnh, yếu ở Việt Nam?

Chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng yếu kém là để cho các ngân hàng lành mạnh, với các ưu đãi từ NHNN, sẽ hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém tạo ra thu nhập để bù đắp lỗ lũy kế.
Tâm thế các “ông lớn”
Tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với 4 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát đặc biệt gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mà Nhà nước mua lại giá 0 đồng là Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank).
Theo ước tính của Chứng khoán VietCap (VCSC) dựa trên nguồn Kiểm toán Nhà nước, nợ xấu tại thời điểm cuối năm 2017 của nhóm ngân hàng này gồm: OceanBank là 14.234 tỷ đồng (tỷ lệ nợ xấu 72,3%), GPBank là 2.800 tỷ đồng (tỷ lệ 59,3%), CBBank tới 18.073 tỷ đồng (tỷ lệ tới 95%).
Đối với trường hợp Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) được đặt vào kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, NHNN đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành triển khai các giải pháp theo quy định pháp luật để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền, lợi ích của người gửi tiền.
Hiện NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện các nội dung tiếp theo để trình Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.
Cơ quan chức năng chỉ mới công bố Vietcombank nhận chuyển giao bắt buộc CBBank trong khoảng 6 tháng tới, còn lại chưa rõ nhà băng nào sẽ hỗ trợ tái cơ cấu ngân hàng yếu kém nào, song trên thị trường đã có nhiều đồn đoán.
Vấn đề này cũng tạo sức nóng tại ĐHĐCĐ thường niên năm nay của các nhà băng bên phía tham gia tái cấu trúc. Theo đó, khi được cổ đông chất vấn liệu VPBank có nằm trong diện tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém hay không, lãnh đạo nhà băng này cho biết, VPBank là 1 trong 4 ngân hàng trong diện nhận tái cơ cấu ngân hàng yếu kém bắt buộc và hiện đang nghiên cứu đề xuất các cơ quan chức năng. Trong dự thảo đề án, 4 ngân hàng tham gia thì 2 ngân hàng sẽ được nới room ngoại lên 49% nhưng còn phụ thuộc vào quá trình phê duyệt, đề xuất nghiên cứu.
Còn Phó Chủ tịch HDBank Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, ngân hàng đã trình ĐHĐCĐ tham gia tái cơ cấu, hỗ trợ một tổ chức tín dụng khác, và đã được chấp thuận. Về chủ trương, Chính phủ và NHNN đã thông qua các quy định tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tham gia chương trình hỗ trợ này có khả năng được nâng room ngoại lên 49%.
Chủ tịch Vietcombank Phạm Quang Dũng cũng chia sẻ với cổ đông rằng việc sáp nhập tổ chức tín dụng yếu kém bắt buộc là một phần trách nhiệm, cho một hệ thống ngân hàng ổn định. Đây cũng là một cơ hội cho Vietcombank, với những hỗ trợ, điều kiện từ phía Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tạo ra cho Vietcombank động lực mới, cơ hội phát triển mới trong thời gian tới. Vietcombank chưa đưa việc sáp nhận này vào kế hoạch năm 2023, cũng như kế hoạch đến năm 2025. Khi nào nhận được chuyển giao chính thức mới đưa vào kế hoạch.
Trong khi đó, MB đã và đang triển khai một số giao dịch hợp tác, hỗ trợ ngân hàng yếu kém theo định hướng chỉ đạo của NHNN, nhằm chuẩn bị cho việc nhận chuyển giao bắt buộc. Trả lời câu hỏi của cổ đông vì sao phương án nhận chuyển nhượng ngân hàng yếu kém đã thực hiện một năm rồi mà lại chưa được nhận chuyển giao, Phó Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh cho biết, việc nhận chuyển giao bắt buộc đã được trình và thông qua tại ĐHĐCĐ năm 2022. Hiên tại, MB đang thực hiện thủ tục định giá ngân hàng chuyển giao bắt buộc. Theo quy trình thì thời gian định giá 11 tháng, đã bắt đầu từ tháng 3/2023 và dự kiến cuối năm nay hoặc đầu năm 2024 thì việc định giá mới xong. Khi đó, MB mới có thể nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng đó được.
Với trường hợp MSB, cổ đông đã không thông qua kế hoạch sáp nhập một tổ chức tín dụng khác dù Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết ban điều hành hoàn toàn thận trọng khi đưa ra quyết định sáp nhập ngân hàng đó, thậm chí khẳng định việc này không ảnh hưởng nhiều tới lợi nhuận, quản lý nợ, hay ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của MSB.
Đặc biệt, MSB đã có kinh nghiệm sáp nhập một ngân hàng nhỏ, tình hình tài chính không hẳn là quá xấu đó là Ngân hàng Phát triển Mê Kông (MDB) năm 2015, để bây giờ đã tạo nên một MSB ổn định, lợi nhuận tăng trưởng cao hàng năm.
Nhìn xa hơn ra thế giới, việc ba ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB), Silvergate Bank và Signature Bank (SB) phải tuyên bố phá sản cũng mang lại những bài học đáng suy ngẫm. Trong khi nguy cơ sụp đổ của một ngân hàng như SVB ở Việt Nam là rất thấp, bởi những sự việc tác động lên SVB không có khả năng xảy ra (nghĩa là người gửi tiền không được khuyến khích rút tiền đột ngột từ ngân hàng khi có khủng hoảng) và các khoản lỗ tiềm ẩn trong danh mục đầu tư của các ngân hàng Việt Nam không đủ lớn để tác động đáng kể đến khả năng sinh lời hoặc khả năng thanh toán. Đặc biệt, NHNN có một số kênh để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng cũng như ngăn chặn vấn đề thanh khoản của một ngân hàng có thể làm gia tăng rủi ro hệ thống.
Ky vong gi tu M&A ngan hang manh, yeu o Viet Nam?
Hình minh họa 
Lợi ích và thách thức
Có thể thấy, kế hoạch hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém sẽ là một trong những điểm nổi bật không chỉ của năm 2023 mà dự kiến còn kéo dài sang cả năm 2024.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Phúc Quý Thạnh, Giảng viên Trường Đại học Ngân hàng TPHCM, việc chuyển giao bắt buộc các ngân hàng yếu kém hiện nằm trong lộ trình của Ngân hàng Nhà nước đã được trình lên Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nhằm mục tiêu gia tăng sự ổn định của hệ thống ngân hàng đồng thời hỗ trợ các ngân hàng trong việc nâng cao nguồn lực thực hiện chiến lược, nâng cao năng lực tài chính, công nghệ và năng lực cạnh tranh.
Trong ngắn hạn, việc sát nhập này có thể gây ra một số khó khăn cho các ngân hàng nhận chuyển nhượng về việc đồng bộ công nghệ, văn hoá tổ chức… Tuy nhiên, xét về góc độ dài hạn, điều này có thể giúp cải thiện tốt hơn cho sự ổn định chung của ngành ngân hàng và tăng cường sự ổn định cũng như phục hồi của hệ thống tài chính.
Ở góc độ của các ngân hàng nhận chuyển nhượng, việc này có thể giúp gia tăng danh mục cho vay và đa dạng hóa rủi ro trên cơ sở hệ khách hàng đa dạng. Ngoài ra, khi tham gia nhận chuyển nhượng các ngân hàng này sẽ nhận được nhiều hơn các ưu đãi chính sách từ Ngân hàng Nhà nước chẳng hạn việc mở rộng “room” tín dụng, qua đó kỳ vọng sẽ có tăng trưởng tốt hơn.
Tuy nhiên, có thể có những thách thức như sự khác biệt về văn hoá doanh nghiệp, không đồng bộ về công nghệ, cũng như phát triển hệ khách hàng mới sau sáp nhập, dẫn đến những khó khăn cho các ngân hàng này. Điều quan trọng là các ngân hàng phải đánh giá cẩn thận rủi ro và lợi ích của các phương án khi thực hiện hỗ trợ các ngân hàng yếu kém. Các chiến lược quản lý rủi ro và thẩm định phù hợp có thể giúp các ngân hàng giảm thiểu những thách thức tiềm ẩn và tối ưu hóa lợi ích của sự hỗ trợ đó.
VCSC cho rằng, quyền và lợi ích của bên nhận hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém là được miễn hợp nhất báo cáo tài chính ngân hàng yếu kém; Không phải trích lập dự phòng cho phần vốn góp vào ngân hàng yếu kém và có thể loại trừ khi tính toán tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất; Có thể được hưởng hạn mức tín dụng cao hơn do NHNN cấp; Có quyền bán/chuyển nhượng, sáp nhập hoặc tiếp tục duy trì ngân hàng yếu kém với vai trò là công ty con sau khi hoàn thành phương án tái cấu trúc.
Ngoài ra, theo dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, các bên nhận hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém có thể được nới room ngoại lên 49%.
Bên cạnh những thuận lợi, VCSC cho rằng các ngân hàng nhận hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức và áp lực trong việc tái cơ cấu như sẽ cần có thời gian, công sức, nguồn nhân lực cũng như nguồn lực công nghệ để giúp đỡ và hỗ trợ các ngân hàng yếu kém này.
Đồng thời, các bên nhận hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém hiện kỳ vọng rằng sẽ mất khoảng 8 đến 10 năm để ngân hàng yếu kém đó khôi phục hoạt động bình thường, khắc phục những điểm yếu và trở thành một ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh. Tuy nhiên, có khả năng các ngân hàng nhận hỗ trợ các tổ chức tín dụng yếu kém có thể phải mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành kế hoạch hỗ trợ tổ chức tín dụng yếu kém, làm tăng chi phí của các ngân hàng nhận hỗ trợ. 
 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN