KBSV kỳ vọng nợ xấu ACB quanh ngưỡng 1%

Việc tiêu dùng trong nước hồi phục cùng với đó thị trường bất động sản bớt ảm đạm giúp mảng cho vay khách hàng cá nhân tại ACB cũng hồi phục mạnh.
Tại báo cáo cập nhật về Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa mới phát hành, Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định tăng trưởng tín dụng tại ACB có thể đạt 16% trong năm 2024 và trong kịch bản tích cực hơn còn có thể đạt 20% nếu như Ngân hàng Nhà nước có thêm đợt cấp room tín dụng.
Theo KBSV, động lực tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đến từ việc ACB tiếp tục khai thác cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp.
Trong năm 2023, cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn và khách hàng vừa và nhỏ (SMEs) tại ngân hàng này đạt tăng trưởng ấn tượng với lần lượt 19% và 16% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn so với mức tăng một chữ số trong các năm trước đó.
KBSV ky vong no xau ACB quanh nguong 1%
 
Trong đó, triển vọng hồi phục của hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư công… thuận lợi hơn là động lực để hoạt động cho vay ở nhóm khách hàng này tại ACB tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024, chuyên gia KBSV dự kiến đóng góp mức tăng trưởng 20 - 25% vào tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.
Ngoài ra, KBSV cũng cho rằng việc tiêu dùng trong nước hồi phục với tốc độ chậm, nhưng sẽ tăng tốc từ quý 3/2024, cùng với đó thị trường bất động sản bớt ảm đạm sẽ kích hoạt lại nhu cầu mua nhà, từ đó giúp mảng cho vay khách hàng cá nhân tại ACB cũng hồi phục mạnh.
Kỳ vọng NIM duy trì quanh mức 4%, nợ xấu được kiểm soát
KBSV cũng cho rằng biên lãi ròng (NIM) tại ACB đã tạo đáy trong năm 2023, do đó, mức NIM được kỳ vọng sẽ hồi phục nhẹ quanh mức 4% trong năm 2024 khi chi phí huy động vốn (CoF) tiếp tục được cải thiện trong bối cảnh mặt bằng lãi suất thấp sẽ được duy trì trong cả năm nay.
Theo KBSV quan sát, mặt bằng lãi suất cho vay của ACB tương đối thấp so với các ngân hàng tư nhân khác. Phía ngân hàng này cho biết, năm 2024 sẽ tiếp tục triển khai các gói cho vay hỗ trợ khách hàng, với mức lãi suất hấp dẫn cạnh tranh với nhóm Big4.
KBSV ky vong no xau ACB quanh nguong 1%-Hinh-2
 
"Chiến lược này giúp ACB thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là ở nhóm doanh nghiệp, cho vay hộ kinh doanh, cho vay mua nhà; nhưng đồng thời cũng sẽ khiến tốc độ cải thiện NIM chậm hơn các ngân hàng khác".
Về chất lượng tài sản, KBSV cho rằng, nợ xấu tại ACB không phải là vấn đề quan ngại khi ngân hàng vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu về chất lượng nợ so với toàn ngành. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) đi ngang so với quý trước (chỉ +0,1% so với quý 3 lên mức 1,21%), NPL đạt 1,1% nếu không tính đến ảnh hưởng của điểm tín dụng (CIC).
Do đó, KBSV nhận định, với chiến lược cho vay thận trọng, nói không với trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản, ACB sẽ tiếp tục duy trì được vị thế về chất lượng tài sản.
"Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ nợ xấu trong năm 2024 sẽ được ngân hàng ACB kiểm soát quanh mức 1%", chuyên gia KBSV đánh giá.
Kết luận lại, về kết quả định giá, sử dụng kết hợp 2 phương pháp định giá P/B và chiết khấu lợi nhuận thặng dư, KBSV khuyến nghị MUA cổ phiếu ACB là với mức giá mục tiêu cho năm 2024 là 33.400 đồng/cp, kỳ vọng tăng 23,4%.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN