HVA: Vỡ tham vọng blockchain, kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn muốn lên HoSE

HVA tham vọng niêm yết cổ phiếu trên HoSE trong khi bị huỷ niêm yết trên sàn HNX do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến với báo cáo tài chính 2018, đồng thời Chủ tịch còn vi phạm về công bố giao dịch cổ phiếu.
Chủ tịch HVA vi phạm về báo cáo giao dịch cổ phiếu
Ngày 31/12/2020, UBCKNN đã xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với ông Vương Lê Vĩnh Nhân số tiền 27.5 triệu đồng vì đã báo cáo không đúng thời hạn về lý do không thực hiện được giao dịch. 
Cụ thể, ông Vương Lê Vĩnh Nhân – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư HVA (UPCoM: HVA) đăng ký bán 300.040 cổ phiếu HVA từ ngày 21/5/2020 đến ngày 18/6/2020 (khớp lệnh 0 cổ phiếu HVA) nhưng ngày 29/6/2020, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội mới nhận được báo cáo về lý do không thực hiện được giao dịch của ông Nhân.
Cổ phiếu HVA bị huỷ niêm yết trên sàn HNX ngày 9/3/2020 do kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm 2018.
Do đó, hiện HVA đang giao dịch trên sàn UPCoM với mức giá chốt phiên cuối năm 2020 là 4.000 đồng/cp, ghi nhận giảm hơn 11% trong vòng 1 quý vừa qua. Khối lượng giao dịch rất thấp khi bình quân chỉ hơn 6.600 đơn vị mỗi phiên.
HVA: Vo tham vong blockchain, kinh doanh thua lo nhung van muon len HoSE
 
Lỗ 2 năm liên tiếp nhưng lại lên kế hoạch niêm yết trên HoSE
HVA cũng vừa huỷ đại hội cổ đông bất thường dự kiến tổ chức ngày 5/12/2020 để thông qua kế hoạch niêm yết trên HoSE, thay đổi vốn điều lệ. Theo HVA, việc huỷ đại hội này do HĐQT cần thêm thời gian nghiên cứu, đánh giá lại phương án chuyển niêm yết trên HoSE.
HVA vừa quyết định thoái toàn bộ 1,96 triệu cổ phần tại CTCP TrustCard, tương ứng 19,6 tỷ đồng, chiếm 49% vốn. HVA cho biết thoái vốn tại TrustCard là để đầu tư vào lĩnh vực khác.
HVA mua 100% vốn TrustCard vào năm 2018 bằng hình thức hoán đổi cổ phiếu. Tham vọng lúc đó của HVA thông qua việc mua lại TrustCard là để phát triển dịch vụ thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ blockchain, cho vay ngang hàng, huy động vốn, phát triển sàn giao dịch tài sản kỹ thuật số...
Thay vào đó, HVA sẽ đầu tư thêm 10 tỷ đồng vào CTCP Citypass nhằm tăng sở hữu từ 45% (9 tỷ) lên 95% (19 tỷ).
HVA có vốn điều lệ 56,5 tỷ đồng nhưng lại không có cổ đông lớn nào. 
Về tình hình kinh doanh, HVA liên tục lỗ trong hai năm liên tiếp là 2018 và 2019 lần lượt là 8,6 tỷ và 791 triệu đồng.

Trước đó, hồi năm 2019, Ban lãnh đạo mới của HVA cho biết Công ty đang thiếu nghiêm trọng nguồn vốn hoạt động do Ban lãnh đạo cũ không bàn giao số dư quỹ tiền mặt và các tài khoản ngân hàng của HVA. Và vì không có tài liệu đối chiếu, Ban lãnh đạo mới cũng bế tắc trong việc xác định tính hợp lý, hợp pháp của các khoản này.

Hiện nay, để duy trì hoạt động thì HVA phải vay tiền cổ đông nội bộ. Công ty cho biết sẽ thông qua các bảng chi tiết các chi phí mà trong thời gian qua Ban lãnh đạo mới đã tạm ứng ra cho HVA vay để trả nợ ngân hàng và duy trì hoạt động. 

Theo thông tin từ HVA, còn nhiều vấn đề nổi cộm khác tại Công ty như: nợ lương cán bộ nhân viên nhiều kỳ chưa thanh toán; cá nhân Thành viên Ban lãnh đạo cũ đầu tư dự án không hiệu quả, gây thâm hụt ngân sách; tồn tại nhiều chứng từ chuyển tiền không rõ ràng, ký nhiều hợp đồng tín dụng với các công ty và tổ chức, cho vay cá nhân không còn khả năng trả nợ, ủy thác đầu tư không đúng quy định.

Nói thêm về hiện trạng các khoản đầu tư, theo BCTC các năm trước và BCTC soát xét đầu năm 2018, phía HVA cho biết Công ty có khoản đầu tư vào 3 công ty liên kết với tổng giá trị gần 50 tỷ đồng, chiếm gần 80% vốn chủ sở hữu doanh nghiệp. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo mới hiện cũng không có các tài liệu để đối chiếu tính hợp lý, hợp pháp của các khoản đầu tư trên nên HVA chưa thể tiến hành tái cơ cấu các khoản đầu tư này.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN