Giảm thêm 0,5% lãi suất điều hành nhưng tác động thực tế sẽ hạn chế

BVSC cho rằng quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% của NHNN không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường. 
Kể từ ngày hôm nay 1/10/2020, lãi suất tái cấp vốn sẽ được giảm từ 4,5%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 3,0%/năm xuống 2,5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO) giảm từ 3%/năm xuống 2,5%/năm.
Đối với trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm còn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên vẫn do TCTD ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.
Đối với trần lãi suất cho vay ngắn hạn với các lĩnh vực ưu tiên, NHNN cũng ban hành Quyết định số 1730/QĐ-NHNN giảm mức lãi suất này từ 5%/năm xuống 4,5%/năm.
Như vậy, kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ ba NHNN có quyết định giảm lãi suất điều hành với biên độ mỗi lần giảm đều khá lớn (0,5%).
Giam them 0,5% lai suat dieu hanh nhung tac dong thuc te se han che
 
Tuy vậy, BVSC cho rằng tác động thực tế tới nền kinh tế của các lần cắt giảm lãi suất điều hành càng về sau càng hạn chế. Lý do là thanh khoản hệ thống ngân hàng kể từ tháng 5 đến nay luôn ở trạng thái tích cực, khiến lãi suất liên ngân hàng giảm sâu về mức thấp kỷ lục nên các ngân hàng không có nhiều nhu cầu vay vốn qua kênh OMO hay tái chiết khẩu từ NHNN.
Điều này đồng nghĩa với việc giảm lãi suất cho vay qua các kênh vay mượn trên sẽ không có quá nhiều tác dụng trong việc giảm thêm lãi suất.
Trong khi đó, đối với trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng, lãi suất huy động thực tế của các NHTM trên thị trường tại các kỳ hạn này hiện cũng đều dưới 4%/năm, tức dưới mức trần mới mà NHNN ban hành.
Việc lãi suất huy động kỳ hạn ngắn tại các NHTM giảm chủ yếu do thanh khoản dư thừa khi tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp (đến 22/09 mới tăng 5,12%).
Tựu chung lại, BVSC cho rằng quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% của NHNN không có quá nhiều tác động đối với mặt bằng lãi suất hiện nay trên thị trường. Động thái này phần nhiều phản ánh nỗ lực đồng hành, hỗ trợ nền kinh tế của NHNN nhằm thúc đẩy tăng trưởng GDP trong quý cuối năm.
Về cơ bản, trong bối cảnh hiện nay, chính sách tiền tệ nới lỏng có tác động tương đối hạn chế tới tổng cầu. Thay vào đó, BVSC cho rằng chính sách tài khóa nên đóng vai trò chính trong việc kích thích nền kinh tế.

Tương tự, VDSC cũng cho rằng động thái này là một trong số các biện pháp của NHNN nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng (lãi suất liên ngân hàng tiếp tục ở thấp kỷ lục - 0,14% tại thời điểm ngày 29/09) và nhu cầu tín dụng ở mức thấp (tính đến ngày 22/09, tín dụng chỉ tăng 5,12% tính từ cuối năm 2019 so với mức tăng 10,3% trong 9 tháng 2018 và 9,4% trong 9 tháng 2019), đợt cắt giảm lãi suất này có thể sẽ không có tác động nhiều.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN