FLC chưa về mệnh giá, ông Trịnh Văn Quyết xoay sở như thế nào với lời hứa sẽ phá sản?

Thị giá FLC của Tập đoàn FLC đang giao dịch dưới mức 5.000 đồng/cp và khó có thể đạt đến mệnh giá hết năm 2020, nhà đầu tư đang nín thở theo dõi động thái của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết sau tuyên bố sốc sẽ phá sản hồi cuối năm trước.
 
Lời hứa “phá sản nếu cổ phiếu FLC không vượt mệnh giá”
Trong những phiên giao dịch gần đây, nhóm cổ phiếu "họ FLC" bứt phá khá ngoạn mục. Riêng cổ phiếu FLC tăng mạnh từ mức khoảng 2.700 đồng/cp hồi tháng 8 lên mức 4.500 đồng/cp, tương ứng với mức tăng đến 67%.
Diễn biến tăng giá của cổ phiếu FLC đặt trong bối cảnh năm 2020 gần kết thúc, nhiều nhà đầu tư luôn theo dõi cổ phiếu này có về mệnh giá trong năm nay như lời Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã khẳng định.
FLC chua ve menh gia, ong Trinh Van Quyet xoay so nhu the nao voi loi hua se pha san?
 Lời hứa của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết hồi tháng 11/2019.
Còn nhớ tại ngày 18/11/2019, ông Trịnh Văn Quyết đã khiến dư luận xôn xao khi tuyên bố 2 mã cổ phiếu BAV của Bamboo Airways và FHH của CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes sẽ đạt mức "3 con số". Ông cũng khẳng định cổ phiếu FLC sẽ về lại mức mệnh giá trong năm 2020.
Ông nhấn mạnh thêm rằng: “Nếu ba mã cổ phiếu này không làm được việc đó, tôi sẽ xin phá sản và thương hiệu FLC coi như vứt đi. Đó là lời hứa chắc chắn nhất và tôi tin sẽ không bao giờ dẫn đến chuyện phá sản”.
“Chúng tôi không bao giờ để cổ phiếu FLC năm 2020 dưới mệnh giá và cổ phiếu sẽ đạt gấp nhiều lần giá trị, tức nếu không được 10 lần thì ít nhất 5 lần”, tỷ phú này khẳng định.
Phản ứng trước thông tin trên, cổ phiếu “họ FLC” giao dịch sôi động trong sáng 19/11/2019 với cổ phiếu FLC tăng kịch trần ngay từ khi mở cửa, khớp lệnh được hơn 2 triệu đơn vị.
Đến thời điểm hiện tại, cổ phiếu FLC kết thúc phiên ngày 28/12 ở mức giá 4.300 đồng/cp. Chỉ còn 4 phiên giao dịch nữa sẽ chính thức kết thúc năm 2020, nếu như cổ phiếu FLC tăng trần với biên độ 7% trong cả 4 phiên thì thị giá FLC khó có thể về mệnh giá như vị Chủ tịch đã từng khẳng định chắc nịch.
FLC chua ve menh gia, ong Trinh Van Quyet xoay so nhu the nao voi loi hua se pha san?-Hinh-2
 Diễn biến giao dịch cổ phiếu FLC trong năm 2020.
Bên cạnh đó, do trong nay ảnh hưởng nặng nề của tình hình dịch bệnh COVID-19 nên kế hoạch đưa BAV và FHH lên sàn vẫn chưa thể được thực hiện và lời hứa đưa 2 cổ phiếu lên thị giá 3 con số vẫn còn đang bỏ ngỏ…
Nói về FHH, kế hoạch niêm yết của mã cổ phiếu này khá gian nan khi thay đổi xoành xoạch. Gần đây nhất, vào sáng 23/12, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) thông báo đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết của FLCHomes. 
Vào cuối tháng 10, FLCHomes có lần thông báo đã nộp hồ sơ niêm yết trên HNX với vốn điều lệ đăng ký và thực góp là 4.160 tỷ đồng. Chưa đầy 2 tháng sau đó, FLCHomes đã rút hồ sơ niêm yết.
Trước đó vào cuối tháng 2, FLCHomes cho biết đã nộp hồ sơ niêm yết đến HoSE và đó lại rút hồ sơ.
Còn Bamboo Airways dự kiến niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam trong quý 4 năm nay sau khi từng phải hoãn tiến độ do dịch bệnh COVID-19 trong quý 2. Tuy vậy, kế hoạch này vẫn chỉ là kế hoạch và vẫn chưa thấy bất kể động tĩnh nào của lãnh đạo Bamboo Airways sau thông báo trên.
Như vậy, cổ phiếu FLC chưa về mệnh giá, FHH và BAV chưa niêm yết, ông Trịnh Văn Quyết xoay sở như thế nào với lời hứa sẽ phá sản của mình?
Đây không phải là lần đầu các nhà đầu tư được nghe những "lời hứa" liên quan giá cổ phiếu như vậy từ lãnh đạo của Tập đoàn này.
“Cam kết không bán cổ phiếu ROS trong năm nay (2019)”
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Tập đoàn FLC, để bảo vệ quyền lợi của cổ đông trong bối cảnh giá cổ phiếu ROS của Xây dựng FLC Faros suy giảm kéo dài, ông Quyết lại tiếp tục cam kết không bán cổ phiếu ROS trong năm nay (2019), đồng thời khẳng định rằng chưa có kế hoạch bán trong những năm sau.
“Tôi và các cổ đông lớn đang nắm giữ hơn 80% vốn ROS và sẽ không bán ra ngoài, nếu có bán cũng chỉ chuyển sang tay cổ đông khác”, ông Quyết khẳng định.
Tuy nhiên, đến đầu tháng 10/2019, ông chủ của Tập đoàn FLC lại bán ra 70 triệu cổ phiếu ROS, giảm tỷ lệ sở hữu tại FLC Faros từ 67,34% xuống còn 55,01%. Không dừng lại tại đó, trong đầu tháng 12, ông Quyết lại tiếp tục bán 21 triệu cổ phiếu ROS.
Đến đầu tháng 4 năm nay, ông Trịnh Văn Quyết đã thôi chức Chủ tịch Hội đồng quản trị ROS, kể từ đó, ông Quyết liên tục bán ra phần lớn số lượng cổ phiếu nắm giữ tại ROS, số lượng bán tổng cộng gần 257 triệu cổ phiếu, và làm giảm tỷ lệ sở hữu từ 51,3% còn 4,18% và không còn là cổ đông lớn tại ROS.
Động thái “xả hàng” lượng lớn của ông Quyết khiến cổ đông không khỏi hoang mang và mất lòng tin vào những lời hứa của vị tỷ phú này.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN