Dự phòng rủi ro của nhà băng nào “ngốn” hết lợi nhuận 9 tháng?

Nhiều ngân hàng như BIDV, Sacombank, VietABank , VPBank, VietinBank ghi nhận khoản mục trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 9 tháng cao hơn gấp mấy lần so với con số lợi nhuận đạt được.
Bức tranh trích lập dự phòng rủi ro thể hiện tình hình xử lý nợ xấu và kiểm soát chất lượng tín dụng của các nhà băng. Khoản mục này có ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Trong 9 tháng qua, có nhiều ngân hàng đã phải "hi sinh" lợi nhuận để tăng trích lập dự phòng gấp nhiều lần. Nhất là xảy ra tại những nhà băng như Sacombank khi lợi nhuận chỉ 1.845 tỷ (giảm 4%) nhưng chi phí dự phòng lên tới 2.853 tỷ đồng, tức gấp 1,5 lần. Hay VietABank lãi ròng chỉ vỏn vẹn 151 tỷ nhưng dự phòng chiếm tới 685 tỷ đồng, gấp 4,5 lần.
"Ông lớn" VietinBank ghi nhận trích lập dự phòng ở mức 11.458 tỷ đồng, cao hơn 39% so mức lợi nhuận 9 tháng có được là 8.232 tỷ đồng.
VPBank cũng không phải ngoại lệ với dự phòng lên tới 10.303 tỷ đồng trong khi lợi nhuận ở mức 7.517 tỷ đồng.
BIDV là "chua chát" nhất khi dự phòng gấp gần 3 lần lợi nhuận đạt được là 5.501 tỷ đồng, dù nhà băng này đã nỗ lực giảm trích lập 2,3% so với cùng kỳ.
Du phong rui ro cua nha bang nao “ngon” het loi nhuan 9 thang?
 
Ngược lại, một số ngân hàng phải chi cho trích lập dự phòng rất ít như Saigonbank vỏn vẹn 27 tỷ, trong khi lợi nhuận là 146 tỷ đồng, dù giảm 26% so cùng kỳ.
Hay NCB cũng chỉ trích lập 38 tỷ, nhích nhẹ so mức 33 tỷ của cùng kỳ, nhưng đổi lại lợi nhuận mà nhà băng này đạt được cũng rất bèo bọt với 21 tỷ đồng, thấp nhất trong tất cả các ngân hàng.
Ngoài ra, cũng còn nhiều cái tên ghi nhận khoản trích lập dự phòng chỉ ở mức hàng chục tỷ đồng như VietBank (66 tỷ), Kienlongbank (83 tỷ), nhưng đây đều là những nhà băng có lợi nhuận sụt giảm mạnh so cùng kỳ.
Du phong rui ro cua nha bang nao “ngon” het loi nhuan 9 thang?-Hinh-2
 
Còn xét về góc độ gia tăng trích lập dự phòng, phải kể đến đầu tiên là ACB với mức tăng vọt gấp 4,2 lần cùng kỳ khi chiếm 694 tỷ đồng. Dù vậy, nhà băng này vẫn lãi 5.133 tỷ đồng, tăng hơn 15% so cùng kỳ.
Kế đến là Techcombank với mức trích lập gấp 3,7 lần cùng kỳ lên tới 2.245 tỷ đồng; nhưng lợi nhuận vẫn tăng gần 18% khi đạt 8.372 tỷ đồng.
VietABank cũng không kém cạnh khi gấp 3 lần lên 685 tỷ đồng và lãi ròng tăng 10% với 151 tỷ đồng.
Trong khi đó, trích lập dự phòng của Eximbank gấp 2,67 lần cùng kỳ nhưng lợi nhuận lại giảm hơn 1% xuống 871 tỷ đồng. Tương tự với Sacombank khi trích lập tăng 69% lên 2.853 tỷ nhưng lợi nhuận lại giảm 4% về 1.845 tỷ đồng.
Ở chiều khả quan chỉ có SeABank khi vừa giảm trích lập dự phòng, vừa kéo theo lợi nhuận tăng. Cụ thể, trích lập dự phòng của nhà băng này là 466 tỷ, giảm 18% so cùng kỳ; nhưng lợi nhuận sau thuế lại tăng tới 65% lên 887 tỷ đồng.
Còn SaigonBank và ABBank vừa giảm trích lập nhưng vẫn không kéo được lợi nhuận đi lên.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, việc tăng trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng chính là đệm dự phòng tài chính, giúp cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng ổn định trong thời gian tới. 

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN