Chứng khoán ngày 24/11: Những cổ phiếu nào được khuyến nghị?

Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 24/11.

Mở vị thế mua TDM trong vùng giá 24.000-25.000 đồng/cp

CTCK BIDV (BSC): TDM đang nằm trong xu hướng tăng giá sau khi thành công bứt phá khỏi ngưỡng tích lũy 24.000 đồng/cp. Thanh khoản cổ phiếu vượt ngưỡng trung bình 20 phiên, đồng thuận với đà tăng giá của cổ phiếu.

Chỉ báo MACD và chỉ báo RSI đều đang ủng hộ nhịp hồi phục. Đường giá cổ phiếu cũng đã vượt lên dải mây Ichimoku, cho thấy xu hướng tăng giá trung hạn đã hình thành.

Như vậy, nhà đầu có thể mở vị thế cổ phiếu quanh trong vùng giá 24.000-25.000 đồng/cp và cân nhắc chốt lãi khi cổ phiếu tiệm cận vùng 27.000 đồng/cp, cắt lỗ nếu mất ngưỡng hỗ trợ 24.000 đồng/cp. Nếu đà tăng kéo dài, chốt lãi trung hạn tại ngưỡng giá 32.000 đồng/cp.

Khuyến nghị mua PVT với giá 15.500 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): Tăng giá mục tiêu cho Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) thêm khoảng 17% lên 15.500 đồng/cp khi tăng dự báo lợi nhuận cố lõi năm 2020 thêm 7%, cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2021 và giảm tỷ lệ WACC thêm 70 điểm cơ bản.

VCSC tăng dự báo lợi nhuận năm 2020 thêm 7% do số dư tiền mặt tính đến cuối quý 3 cao hơn dự kiến và thu nhập tài chính ròng cao hơn khi không có hoạt động đầu tư nào trong 9 tháng năm 2020.

Chung khoan ngay 24/11: Nhung co phieu nao duoc khuyen nghi?
 Chọn cổ phiếu nào phiên 24/11?

Trong khi đó, VCSC duy trì dự báo lợi nhuận giai đoạn 2021-2024 gần như không đổi khi chúng tôi kỳ vọng chi phí tài chính thấp hơn sẽ bù đắp cho tác động từ đóng góp lợi nhuận thấp hơn của các tàu chở dầu mới do tiến độ đầu tư chậm trong năm 2020/2021.

Dù dự báo EPS cốt lõi năm 2020 giảm 25,5% YoY do giá thuê tàu của PVT giảm do tác động tiêu cực của dịch COVID-19, VCSC kỳ vọng triển vọng phục hồi với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS giai đoạn 2020-2025 khoảng 12%, được dẫn dắt bởi nhu cầu vận tải gia tăng từ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSR) và các hợp đồng vận tải dầu thô/LPG/hóa chất quốc tế mới.

PVT có năng lực tài chính mạnh mẽ với số dư tiền mặt cuối kỳ đạt 147 triệu USD, tỷ lệ đòn bẩy ròng âm ở mức -10,5% tính đến cuối quý 3/2020 và triển vọng phục hồi lợi nhuận, sẽ hỗ trợ triển vọng gia tăng cổ tức tiền mặt, từ 700 đồng trong năm 2020 (lợi suất khoảng 5%) lên 1.000 đồng trong năm 2021 (lợi suất khoảng 7%).

Định giá của PVT hấp dẫn tại EV/EBITDA dự phóng là 4,1 lần – thấp hơn 55,9% trung vị của các công ty cùng ngành – trong khi PVT có bảng cân đối kế toán lành mạnh hơn và tỷ lệ ROE cao hơn đáng kể so với các đối thủ.

Yếu tố hỗ trợ: cổ tức tiền mặt năm 2020 cao hơn dự kiến. Rủi ro: giá thuê tàu quốc tế biến động mạnh.

Khuyến nghị mua DCM với giá mục tiêu 14.800 đồng/cp

CTCK FPT (FPTS): Mảng Urê của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) tăng trưởng ổn định với thị phần top đầu trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường Châu Á. Phân Urê là sản phẩm chủ lực của DCM, chiếm gần 78% tổng doanh thu và tăng trưởng ổn định qua các năm. Với việc gia tăng hiệu suất hoạt động từ 110% lên 115,6% công suất thiết kế (CSTK) trong năm 2021, sản lượng phân Urê có thể đáp ứng nhu cầu trong nước và chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu của DCM.

Việt Nam hiện nhập khẩu từ 400 - 500 ngàn tấn phân NPK chất lượng cao (chiếm 11% - 13% tổng nhu cầu tiêu thụ) do chất lượng nguồn cung nội địa chưa đảm bảo. Nhà máy NPK công nghệ Urê hóa lỏng của DCM (CSTK 300.000 tấn/năm) dự kiến vận hành thương mại từ quý 1/2021. Với chiến lược gia nhập thị trường từ sớm, FPTS kỳ vọng đây là động lực tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cho DCM trong những năm tới.

Ngoài ra, chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón được trình Quốc hội 14, nếu được thông qua sẽ chính thức có hiệu lực từ 01/01/2021. DCM là một trong số các doanh nghiệp hưởng lợi nhất ngành khi tiết giảm được 2,3 – 2,5% chi phí giá vốn, khoảng 80 – 150 tỷ đồng mỗi năm, từ đó cải thiện biên lợi nhuận cho DCM.

FPTS kỳ vọng kết quả kinh doanh của DCM sẽ cải thiện khi Công ty trả hết nợ vay vào năm 2021 và nhà máy hết khấu hao từ năm 2024. Năm 2021, DCM trả khoản vay cuối cùng cho nghĩa vụ nợ khi xây dựng nhà máy Đạm Cà Mau. Năm 2024, nhà máy Đạm Cà Mau hết khấu hao, kết quả kinh doanh kỳ vọng phản ánh chính xác hơn hiệu quả hoạt động của DCM trong những năm tới.

Qua đó, FPTS khuyến nghị mua DCM với giá mục tiêu 14.800 đồng/cp.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN