Chứng khoán ngày 1/12: Những cổ phiếu nào được khuyến nghị?

Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 1/12.

Mở vị thế mua PLP quanh vùng giá 7.350 đồng/cp

CTCK BIDV (BSC): PLP ở trong trạng thái tăng giá trở lại sau khi đã có giai đoạn tích lũy ngắn hạn tại khu vực 6.500-7.000 đồng/cp. Thanh khoản tăng cao trong phiên 30/11 đã giúp cổ phiếu bứt phá và đóng cửa ở mức giá trần.

Các chỉ báo xu hướng hiện đang ở trong trạng thái tích cực. Phiên 30/11, đường EMA12 vừa cắt lên trên đường EMA26 đồng thời chỉ báo RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên cổ phiếu có thể duy trì đà tăng trong thời gian tới.

Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của PLP nằm tại khu vực xung quanh giá 7.350 đồng/cp. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại mức 8.200 đồng/cp, cắt lỗ nếu ngưỡng 7.150 đồng/cp bị xuyên thủng.

Khuyến nghị phù hợp thị trường cho HSG với giá mục tiêu 15.400 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): Tăng giá mục tiêu cho CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) thêm 23% lên 15.400 đồng/cp nhưng hạ khuyến nghị từ phù hợp thị trường còn kém khả quan khi giá cổ phiếu của HSG đã tăng 59% trong vòng 3 tháng qua.

VCSC tăng giá mục tiêu do mức tăng trung bình 7% trong dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2021-2025, nhờ chi phí lãi vay dự phóng thấp hơn, tỷ lệ WACC thấp hơn và P/E mục tiêu cao hơn.

VCSC duy trì dự báo biên lợi nhuận gộp giảm còn 15,7% trong năm 2021 (so với mức 16,8% trong năm 2020) khi 1) kỳ vọng giá HRC sẽ giảm từ mức hiện tại, và 2) nhận thấy dư địa hạn chế để các công ty tôn mạ tiếp tục gia tăng biên lợi nhuận thông qua chủ động giao dịch theo biến động của giá HRC trong năm 2021 so với năm 2020.

Chung khoan ngay 1/12: Nhung co phieu nao duoc khuyen nghi?
 Chọn cổ phiếu nào để giao dịch phiên 1/12?

Khả năng sinh lời của các nhà sản xuất tôn mạ hàng đầu tại Việt Nam như HSG và NKG phục hồi sau giai đoạn tăng trưởng sản lượng bán hạn chế. VCSC kỳ vọng cạnh tranh sẽ gia tăng trong ngắn hạn, cho thấy áp lực tăng lên chi phí SG&A.

VCSC kỳ vọng chi phí lãi vay giảm sẽ hỗ trợ dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2020-2025 đi ngang, cao hơn dự báo cho CAGR lợi nhuận từ HĐKD giai đoạn 2020-2025 ở mức -4%.

Giá cổ phiếu của HSG đã tăng 59% trong 3 tháng qua nhờ KQKD tích cực cùng với kỳ vọng cho rằng giá HRC gia tăng sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021. VCSC cho rằng HSG hiện có định giá phù hợp với P/E dự phóng năm 2021 là 8,1 lần.

Khuyến nghị mua NKG với giá mục tiêu 10.000 đồng/cp

CTCK Bản Việt (VCSC): Tăng giá mục tiêu cho CTCP Thép Nam Kim (NKG) thêm 32% lên 10.000 đồng/cp khi giá cổ phiếu của NKG đã tăng 76% trong vòng 3 tháng qua.

VCSC tăng giá mục tiêu do mức tăng trung bình 20% trong dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2020-2024 nhờ doanh số và biên lợi nhuận gộp phục hồi, giả định tỷ lệ WACC thấp hơn và P/E mục tiêu cao hơn.

VCSC tăng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2020 thêm 61% đạt 209 tỷ đồng (+341% YoY) khi KQKD quý 3/2020 cao hơn kỳ vọng. KQKD quý 3/2020 mạnh mẽ đến từ sản lượng bán phục hồi và biên lợi nhuận gộp gia tăng mạnh mẽ nhờ giá thép cuộn cán nóng (HRC) phục hồi.

VCSC dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2021 đạt 183 tỷ đồng (-12% so với năm 2020).

Biên lợi nhuận gộp của NKG sẽ giảm còn 6,4% trong năm 2021 (so với mức 6,7% trong năm 2020) khi 1) cho rằng giá HRC sẽ giảm từ mức cao vào cuối năm 2020, và 2) duy trì quan điểm thận trọng cho các cơ hội tiềm năng trong năm 2021 để các công ty tôn mạ ghi nhận tăng trưởng biên lợi nhuận mạnh mẽ, đạt mức tương tự trong năm 2020 nhờ biến động giá HRC.

VCSC duy trì quan điểm cho rằng chi phí lãi vay của NKG sẽ vẫn ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty trong giai đoạn dự báo. Dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2020-2025 đạt 3%, thấp hơn dự báo cho rằng CAGR lợi nhuận từ HĐKD giai đoạn 2020-2025 ở mức 5%.

Giá cổ phiếu của NKG đã phục hồi 76% trong 3 tháng qua nhờ KQKD tích cực cùng với kỳ vọng cho rằng giá HRC gia tăng sẽ tiếp tục dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2021. Do đó, VCSC cho rằng NKG hiện có định giá phù hợp với P/E dự phóng năm 2021 là 11,8 lần.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN