Bộ Xây dựng và làn sóng thoái vốn trước giờ G

Để hoàn thành được đề án thoái vốn, Bộ Xây dựng đang ráo riết đấu giá 4 công ty đang sở hữu ngay trong tháng 11.

Mới đây nhất, Bộ Xây dựng thông báo thoái 49% vốn Tổng Công ty Sông Hồng, tương đương hơn 13 triệu cổ phiếu SHG với giá khởi điểm 10.000 đồng/cp, gấp 5 lần thị giá thông qua phương thức đấu giá trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

SHG tiền thân là công ty Kiến trúc Việt Trì thành lập năm 1958, đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng, giao thông, thủy lợi,... hoạt động kiến trúc và tư vấn kỹ thuật có liên quan với vốn điều lệ 270 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, ngoài cổ đông Bộ Xây dựng nắm giữ 49% vốn điều lệ, HSG còn 3 cổ đông lớn khác là ông Phan Việt Anh (14,9%), bà Phạm Thị Phương Thuý (11,06%) và ông Lã Tuấn Hưng (9,25%).

Hiện nay, SHG đang đầu tư một số dự án lớn trên địa bàn TP. Hà Nội như: Công trình Sông Hồng Tower (quy mô 1,38 ha tại quận Bắc Từ Liêm); Dự án lập quy hoạch khu đất kinh tế tại Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai (quy mô 9,5 ha); Dự án Khách sạn Royal Sông Hồng; Dự án nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 1/500 khu đất 70-72 An Dương, Tây Hồ…

Bo Xay dung va lan song thoai von truoc gio G
 Bộ Xây dựng thoái vốn khỏi 4 công ty. 

Nói về tình hình kinh doanh, Công ty liên tục thua lỗ trong nhiều năm, nặng nề nhất là năm 2018 với số lỗ 388 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2020, Công ty ghi nhận 24 tỷ đồng doanh thu, giảm 40% so với cùng kỳ và lỗ gần 30 tỷ đồng. Tính đến 30/6, Công ty ghi nhận lỗ luỹ kế hơn 1.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm hơn 695 tỷ đồng.

Nguyên nhân thua lỗ do nợ xấu tín dụng nên SHG không đủ điều kiện năng lực để tham gia các gói thầu. Doanh thu và sản lượng chủ yếu của các công trình chuyển tiếp dở dang từ các năm trước chuyển sang có hiệu quả thấp, lãi vay lớn.

Công ty mẹ và tổ hợp các công ty thành viên mất khả năng thanh toán nghiêm trọng do nợ phải trả tiếp tục tăng từ phát sinh lãi vay phải trả cho công trình Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, nợ phải trả cho nghĩa vụ bảo lãnh các công ty con.

Do đó, kiểm toán "nghi ngờ đáng kể" về khả năng hoạt động liên tục của Tổng Công ty Sông Hồng. Tuy nhiên, Ban tổng giám đốc cho biết SHG sẽ tiếp tục hoạt động trong ít nhất 12 tháng bằng việc thu hồi các khoản công nợ, kinh doanh cho thuê mặt bằng và hỗ trợ nguồn vốn từ các cổ đông.

Ráo riết thoái vốn

Ngoài Tổng Công ty Sông Hồng, Bộ Xây dựng mới đây khá ráo riết thông báo thoái vốn khỏi Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HanCorp, HAN), Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1) và Tổng Công ty IDICO (IDC).

Nguyên nhân dẫn đến việc thoái vốn ráo riết là do theo Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trước ngày 30/11, Bộ Xây dựng phải hoàn thành thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp trên.

Nếu Bộ Xây dựng không hoàn thành việc thoái vốn nhà nước tại 4 doanh nghiệp này trước ngày 30/11/2020 thì các công ty này sẽ phải hoàn thành chuyển giao về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trước ngày 31/12/2020.

Trong tháng 8 năm nay, 4 Tổng công ty gồm: Sông Đà, Vật liệu xây dựng số 1 (FiCO), Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (VIWASEEN), Tư vấn Xây dựng Việt Nam (VNCC) đã được chuyển giao quyền sở hữu vốn nhà nước từ Bộ Xây dựng sang SCIC.

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Xây dựng mới hoàn tất thoái vốn tại IDICO và CC1 và đã thu về khoảng 3.935 tỷ đồng từ phần vốn tại 2 công ty này.

Trong ngày 27/11, tại buổi đấu giá cổ phần, 9 nhà đầu tư đã mua 108 triệu cổ phiếu IDC mà Bộ Xây dựng chào bán. Trong đó, 1 nhà đầu tư tổ chức đặt mua khối lượng lớn nhất 32,4 triệu cổ phiếu, 8 nhà đầu tư cá nhân mua 75,6 triệu cổ phiếu còn lại.

Mức trúng giá bình quân 26.936 đồng/cp. Tổng giá trị cổ phần mà Bộ Xây dựng thu về từ buổi đấu giá đạt hơn 2.909 tỷ đồng.

Hiện IDICO có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Công ty IPO thành công vào tháng 10/2017 khi bán hết 55,3 triệu cổ phiếu (lượng đăng ký mua gấp 5 lần chào bán) với các nhà đầu tư nước ngoài mua 75% lượng đấu giá.

Trong quá trình cổ phần hóa, công ty có chào bán cổ phần cho 2 cổ đông chiến lược là Tập đoàn SSG và Tập đoàn Bitexco đều đang sở hữu 65 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 22,5% vốn điều lệ.

Lũy kế 9 tháng, tuy doanh thu chỉ giảm 6%, vẫn đạt trên 3.356 tỷ đồng, song lợi nhuận sau thuế của IDICO giảm 28% về mức 307 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 25/11, Bộ Xây dựng đã đấu giá thành công gần 45 triệu cổ phiếu của Tổng Công ty Xây dựng số 1 (CC1), tương ứng 40,53% vốn. Kết qủa, Bộ Xây dựng thu về 1.026 tỷ đồng từ phiên đấu giá này.

Như vậy, Bộ Xây dựng đang tiếp tục chờ đợi tháng 12 để có thể đấu giá và thoái vốn khỏi SHG và HAN. Bộ Xây dựng hiện là cổ đông lớn nhất nắm giữ 98,8% vốn điều lệ HAN, tương đương toàn bộ số cổ phần dự kiến mang ra đấu giá. Ước tính nếu thoái vốn thành công khỏi HAN, Bộ Xây dựng sẽ dự thu tối thiểu 2.778 tỷ đồng.

Trước đó, tháng 3/2014, trong đợt bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng, Bộ Xây dựng đã đưa 49,74 triệu cổ phiếu HAN ra bán với giá khởi điểm 10.200 đồng/cp. Tuy nhiên, cơ quan này chỉ bán được gần 1,6 triệu cổ phiếu HAN, qua đó thu về hơn 16 tỷ đồng.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN