Bamboo Airways và FLC: Gió ngược chiều bắt đầu xuất hiện?

FLC đang có kế hoạch tiếp tục rót vốn vào Bamboo Airways trong bối cảnh cạnh tranh ngành ngày càng gay gắt. Liệu cuộc chạy đua này có dễ dàng?

Chiều 2/10, máy Airbus A320 của hãng Bamboo Airways khởi hành từ TP. HCM đi Hà Nội đã bị rung lắc trong lúc đang bay ở độ cao 31.000 feet (xấp xỉ 9.449 m) do gặp vùng nhiễu động trời trong (clear air turbulence).

Trước đó, theo tìm hiểu của Zing, cả ba chiếc máy bay mà Bamboo Airways thuê đều khá cũ với tuổi đời trung bình khoảng 12 năm. Theo số liệu của Air Fleets, 2 chiếc A320 mang mã số MSN 2934 và 3010 đều đã gần 12 năm tuổi.

Hiện Bamboo Airways đang khai thác 10 tàu bay và đề xuất tăng số lượng máy bay từ lên mức 22 máy bay ngay trong năm 2019, và 30 chiếc đến 2023.

Thậm chí, Bamboo Airways còn lên kế hoạch IPO vào năm 2020 với kỳ vọng dành 30% thị trường. Hãng sẽ huy động 100 triệu USD để mở rộng thêm đội bay.

Bamboo Airways va FLC: Gio nguoc chieu bat dau xuat hien?
 

Kế hoạch là vậy, song có dễ dàng thực hiện được hay không vẫn là một bài toán khó đối với hãng này trong bối cảnh cạnh tranh ngành ngày càng gay gắt và tình hình tài chính chưa mấy khả quan.

Nhất là ban đầu, hãng này cũng đã nhiều lần lỗi hẹn bay và đến 16/1/2019, Bamboo Airways mới chính thức cất cánh.

Bamboo Airways đã có thị phần nhưng lỗ nặng

Theo số liệu từ Tổng cục Hàng không, trong 6 tháng đầu năm 2019, các hãng hàng không tại Việt Nam đã thực hiện tổng cộng 153.559 chuyến bay, tăng trưởng nhẹ 2,4% so với 6 tháng đầu năm 2018. 

Trong đó, dẫn đầu là Vietjet (VJC) với 68.821 chuyến bay (+14%), tiếp theo là Vietnam Airlines (HVN) với 53.243 chuyến (-17,4%) và theo sau là Jetstar với 18.146 chuyến (-1.6%), Vasco 6.650 chuyến (-4,8%), Bamboo Airway 6.700 chuyến.

Thị phần vận tải ngành hàng không nội địa vẫn tập trung chủ yếu ở hai ông lớn là Vietjet và Vietnam Airlines với thị phần lần lượt là 44% (giảm so mức 48,9% cùng kỳ) và 35,9% (giảm so mức 39%).

Tân binh Bamboo cũng đã nắm giữ 4,2% thị phần, Jetstar chiếm 13,9% và Vasco chiếm 2% còn lại.
Bamboo Airways va FLC: Gio nguoc chieu bat dau xuat hien?-Hinh-2

Dù đã nắm được thị phần, song theo thông tin của Bộ Tài chính, tính đến 30/4, tức chỉ sau khoảng 3 tháng bay, Bamboo Airways đã chịu lỗ 329 tỷ đồng. Doanh nghiệp mới bắt đầu khai thác kinh doanh, chưa đủ cơ sở để đánh giá hiệu quả.

Trong khi đó, với tổng nguồn vốn 2.200 tỷ đồng nhưng khoản phải thu về trả cho vay ngắn hạn tại thời điểm 30/4 lên tới hơn 1.062 tỷ đồng. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng phương án tăng số máy bay của hãng này phải rà soát lại.

Cụ thể, Bamboo Airways đề xuất tăng số lượng máy bay từ mức được phê duyệt là 10 chiếc đến năm 2023 lên mức 22 máy bay ngay trong năm 2019, và 30 chiếc đến 2023. Tổng mức đầu tư dự án cũng được tăng lên 8.300 tỷ đồng.

Dự án của FLC đề nghị tăng gấp 3 lần số máy bay, nhưng Bộ Tài chính nhấn mạnh hãng chưa có thuyết minh tính hiệu quả, phương án đảm bảo cân đối dòng tiền.

Trong khi đó, theo báo cáo tài chính soát xét 6 tháng 2019 của công ty mẹ Bamboo Airways là FLC, tổng nợ phải trả lên tới 17.970 tỷ đồng, chiếm hơn 66% tổng tài sản, tỷ lệ nợ phải trả/vốn sở hữu lên tới 198%. Tăng hơn rất nhiều so với thời điểm cuối năm 2018.

Trước đó, theo số liệu tài chính tại thời điểm cuối năm 2018, Bộ Tài chính đã có kết luận rằng hoạt động của FLC phụ thuộc vào hình thức huy động vốn bằng vay nợ. Nếu FLC cam kết bảo lãnh thực hiện mọi nghĩa vụ của Bamboo Airways phát sinh từ hợp đồng thuê, mua máy bay...

Theo Bộ Tài chính, FLC và hãng bay phải có báo cáo làm rõ, giải trình năng lực, khả năng tài chính để thực hiện quyền bảo lãnh, nghĩa vụ liên quan...

Có lẽ bởi thế mà FLC đang tiến hành chào bán gần 300 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 42,2%, tức mỗi cổ đông sở hữu 1.000 cổ phiếu sẽ có quyền mua thêm 422 cổ phiếu phát hành thêm.

Với mức giá chào bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, Tập đoàn FLC có thể thu về gần 3.000 tỷ đồng nếu việc phát hành thực hiện thành công.

Hiện FLC có vốn điều lệ xấp xỉ 7.100 tỷ đồng, nếu phát hành thành công, FLC sẽ là tập đoàn tư nhân có vốn điều lệ lên đến 10.100 tỷ đồng, tương ứng trên 1 tỷ cổ phần lưu hành.

Theo FLC, toàn bộ số tiền gần 3.000 tỷ đồng dự kiến thu được từ đợt phát hành thêm sẽ được dùng để bổ sung vốn lưu động của Tập đoàn và thực hiện một số dự án bất động sản, tăng vốn điều lệ cho công ty con là Bamboo Airways từ 1.300 tỷ đồng lên 2.000 tỷ đồng…

Bamboo Airways va FLC: Gio nguoc chieu bat dau xuat hien?-Hinh-3
 Các chỉ số tài chính của FLC trong các quý gần đây (nguồn: VietstockFinance)

Tình hình đòn bẩy tài chính quá cao, trong khi giá cổ phiếu FLC chỉ ở mức ly trà đá 3.600 đồng/cổ phiếu thời gian qua thì liệu việc huy động vốn trên thị trường chứng khoán của FLC là có khả thi?

Chưa kể, lợi nhuận mang về hai năm gần đây của FLC chỉ từ 377 tỷ đồng đến 460 tỷ đồng cho năm 2017 và 2018. Riêng 6 tháng 2019 chỉ vỏn vẹn 41 tỷ đồng.

Cuộc chiến ngành hàng không liệu có dễ dàng với Bamboo Airways?

Nhìn chung thị trường vận tải hàng không Việt Nam đã tăng trưởng chậm trở lại trong nửa đầu 2019 khi lượng hành khách chuyên chở và số lượng chuyến bay đều tăng trưởng ở mức thấp so với mức tăng 2 con số của giai đoạn 2013-2018. 

Nhận định về triển vọng ngành, Chứng khoán Phú Hưng cho rằng ngành vận tải hàng không sẽ tiếp tục đối diện với đà giảm tốc trong thời gian sắp tới dựa vào 2 yếu tố chính.

Thứ nhất là lượng hành khách quốc tế suy giảm trong khi đó khách di chuyển nội địa cũng dần bão hòa. Thứ hai là cơ sở hạ tầng thiếu sự phát triển đồng bộ kìm hãm tiềm năng của toàn ngành.

Ngoài ra, ngành hàng không cũng dần trở nên chật chội khi các hãng hàng không mới tham gia vào thị trường.

Trong quá khứ, việc thị trường hàng không vẫn còn duy trì tốc độ tăng trưởng kép gần 20% đã giúp cho việc gia nhập của Vietjet hết sức thuận lợi khi doanh nghiệp này vừa có thể hưởng lợi từ quá trình tăng trưởng nóng của ngành hàng không cũng như tham gia vào thị trường ngách với mô hình hoạt động mới là vận chuyển hành khách giá rẻ nhằm phá vỡ thế độc quyền của Vietnam Airlines. 

Bamboo Airways va FLC: Gio nguoc chieu bat dau xuat hien?-Hinh-4
 

Tuy nhiên, trong vòng gần một năm trở lại đây, ngành vận tải hàng không liên tục chào đón sự xuất hiện của một số gương mặt mới khiến cho thị trường hàng không ngày càng trở nên chật chội trong bối cảnh thị trường có dấu hiệu tăng trưởng chậm trở lại.    

Ngoài ra, sự có mặt của tập đoàn Vingroup với Vinpearl Air cùng Viettravel Airlines và Thiên Minh Airlines cũng sẽ góp phần khiến cho bầu trời Việt Nam càng thêm chật chội trong thời gian tới.

Nếu trong thời gian tới, sớm nhất là vào 2020, các hãng này dự kiến đi vào khai thác các chuyến bay thương mại đầu tiên, Việt Nam sẽ có 8 hãng hàng không với quy mô hơn 380 đội tàu bay dự kiến đưa vào hoạt động cho tới năm 2023.

Do đó, với việc các hãng hàng không liên tiếp đi vào hoạt động với quy mô không hề nhỏ sẽ khiến cho thị trường hàng không ngày càng trở nên khốc liệt. Các cơn gió ngược chiều đã bắt đầu xuất hiện.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN