ADB hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam xuống 4,8%

Ngân hàng Phát triển châu Á cho rằng tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ mất tới 2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó, nguyên nhân chính bắt nguồn từ Covid-19.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm của Việt Nam là 4,8%, thấp hơn 2 điểm phần trăm so với lần công bố gần nhất. Mức này cũng thấp hơn dự báo được WB (4,9%) và Tổng cục Thống kê (hơn 5%) đưa ra trước đó.

ADB ha du bao tang truong GDP Viet Nam xuong 4,8%

ADB hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam về 4,8%, giảm 2 điểm phần trăm so với công bố gần nhất. Ảnh minh họa: Reuters

Nguyên nhân kéo tăng trưởng của Việt Nam xuống dưới ngưỡng 5% được ADB chỉ ra là do tác động từ  cầu bên ngoài - những đối tác thương mại và đầu tư chính đang giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Quý I, kinh tế Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 3,82%, giảm khoảng 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do quyết định hạn chế đi lại để phòng chống dịch khiến tiêu dùng nội địa giảm.

Điều này được thể hiện rõ nét ở ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã bị thiếu nguyên liệu đầu vào và chỉ duy trì hoạt động sản xuất mang tính cầm cự. Bên cạnh đó, khu vực nông nghiệp cũng bị đình trệ do xuất khẩu giảm và ảnh hưởng nghiêm trọng của xâm ngập mặn từ Đồng bằng sông Cửu Long. Đáng nói, tăng trưởng của khu vực dịch vụ bị tác động nhiều nhất của đại dịch, chỉ còn 3,2%, thấp hơn 3 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2019.

Triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới được ADB dự báo vẫn có điểm sáng. Trường hợp dịch được kiểm soát trong quý II, nền kinh tế sẽ quay trở lại đà tăng trưởng 6,8% vào 2021, tương đương mức tăng trưởng mà ADB dự báo trước khi có dịch Covid-19 xảy ra. Trong tầm nhìn trung và dài hạn, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. 

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định: “Các hoạt động kinh tế suy giảm và các rủi ro do dịch Covid-19 còn đó nhưng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á".

Những động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới là khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ, năng động, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng nhanh. Bên cạnh đó, đầu tư công được đẩy mạnh, các hiệp định hương mại tự do song phương và đa phương lớn sẽ góp phần giúp Việt Nam bù đắp tăng trưởng. Thêm nữa, nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của Việt Nam đã được mở rộng khi Trung Quốc đã cơ bản kiểm soát được dịch và quay trở lại sản xuất. 

Theo Ngọc Hà/NDH

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN