Nga thông báo tập trận hạt nhân chiến thuật nhằm răn đe phương Tây, Mỹ nói gì?

Mỹ hôm 6/5 đã lên tiếng việc Nga thông báo mở cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật nhằm gửi thông điệp cảnh báo phương Tây.

Hệ thống tên lửa tầm ngắn Iskander của Nga có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Bộ Quốc phòng Nga hôm 6/5 cho biết, cuộc tập trận kiểm tra mức độ sẵn sàng của lực lượng hạt nhân chiến thuật diễn ra theo sự chỉ đạo của Tổng thống Vladimir Putin.

Mục đích của cuộc tập trận là nhằm bảo đảm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga, “đáp trả những đe dọa và tuyên bố khiêu khích của các quan chức phương Tây nhằm vào Nga”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Cùng ngày, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích động thái mới của Nga. "Đây là một ví dụ về những tuyên bố thiếu trách nhiệm của Nga mà chúng tôi đã thấy trong quá khứ. Nó hoàn toàn không phù hợp dựa trên tình hình an ninh hiện tại", phát ngôn viên Lầu Năm Góc, thiếu tướng Pat Ryder nói với các phóng viên.

"Chúng tôi chưa nhận thấy dấu hiệu thay đổi trong lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga. Dĩ nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi", ông Ryder nói thêm.

Matthew Miller, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, nói "Nga đã nhiều lần đưa ra những thông điệp cảnh báo liên quan đến vũ khí hạt nhân trong xung đột ở Ukraine và Washington coi đây là động thái mạo hiểm".

Mặt khác, Mỹ chưa thấy "có dấu hiệu Nga đang chuẩn bị sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine", ông Miller nói thêm.

Theo báo Nga RT, cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật diễn ra là lời cảnh báo của Nga, rằng Mỹ và phương Tây không nên tiếp tục leo thang căng thẳng trong xung đột ở Ukraine.

Phương Tây gần đây một lần nữa đề cập khả năng đưa quân đến Ukraine. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói phương Tây không nên loại trừ bất cứ khả năng nào nhằm khiến Nga không thể giành chiến thắng ở Ukraine.

Theo RT, quân đội Nga hiện sở hữu nhiều loại vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế để sử dụng trên chiến trường. Vũ khí hạt nhân chiến thuật không nằm trong danh mục bị cấm sử dụng.

Báo Nga cho biết, đầu đạn hạt nhân chiến thuật có sức công phá 5 - 50 kT có thể được gắn lên tên lửa đạn đạo 9M723-1 hoặc tên lửa hành trình 9M728. Hai loại tên lửa này đều được phóng từ hệ thống Iskander.

Các đầu đạn tương tự cũng có thể được gắn lên tên lửa siêu vượt âm Kh-47M2 Kinzhal và tên lửa hành trình tầm xa Kh-32.

Ngoài ra, Nga cũng sở hữu những loại đạn pháo hoặc đạn cối mang đầu đạn hạt nhân, sức công phá 2 - 2,5 kT.  Những loại đạn này có thể được khai hỏa từ các hệ thống pháo cỡ 152mm và súng cối cỡ 240mm.

Năm ngoái, Nga đã triển khai một số lượng không xác định vũ khí hạt nhân chiến thuật ở nước đồng minh Belarus. Mỹ hiện duy trì 180 quả bom hạt nhân chiến thuật tại 6 căn cứ ở châu Âu, trong đó có hai căn cứ ở Italia, một tại mỗi nước Bỉ, Đức, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Ba Lan gần đây cũng công khai bày tỏ quan điểm sẵn sàng cho phép Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân ở nước này.

Nhật Minh - RT, Kyiv Independent

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN