Báo Mỹ: Đằng sau việc các tỷ phú Nga rút tài sản về nước

Một số tỷ phú Nga đã từ bỏ việc giữ tài sản ở phương Tây để chờ cuộc xung đột Ukraine đi qua mà rút toàn bộ tài sản về nước, báo Mỹ Bloomberg gần đây đưa tin.

Sau khi bị buộc phải bán CLB Chelsea ở Anh, tỷ phú Nga Roman Abramovich chuyển sang sống ở Thổ Nhĩ Kỳ và thường hay lui tới khu nghỉ dưỡng ở thành phố Sochi, Nga.

Do bị cắt đứt khỏi mạng lưới ngân hàng và các dịch vụ tài chính phương Tây, ngày càng nhiều tỷ phú Nga quyết định rút tài sản về nước để chuyển cho thế hệ tiếp theo. Hầu hết các tỷ phú Nga rút tài sản là những người nằm trong danh sách trừng phạt của phương Tây, theo Bloomberg.

“Số phận của khối tài sản khổng lồ của các tỷ phú Nga có ý nghĩa lớn đối với Nga vì Moscow đã bị cắt đứt khỏi mạng lưới tài chính của phương Tây", Bloomberg nhận định, cho biết 26 tỷ phú Nga nằm trong top những người giàu nhất thế giới sở hữu khối tài sản 350 tỷ USD.

"Độ tuổi trung bình của họ là 63, nghĩa là cách thức và nơi họ chọn để đầu tư sẽ có ảnh hưởng đáng kể một khi họ giao tài sản cho thế hệ tiếp theo trong vài thập kỷ tới", Bloomberg viết.

Hai tỷ phú Nga giấu tên nói với Bloomberg rằng họ giờ đây chỉ có thể làm ăn ở Nga và do đó đang rút tài sản về nước. Họ cũng không lo ngại nguy cơ tài sản bị tịch thu ở Nga.

Một tỷ phú Nga khác đã đưa tài sản về nước nói gia đình đã quyết định đầu tư và xây dựng cuộc sống mới ở Nga.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Anh vào tháng trước, Nga đã tịch thu tài sản của 180 công ty với tổng trị giá 11,5 tỷ USD kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt diễn ra ở Ukraine vào tháng 2/2022.

"Các công ty có chủ sở hữu nước ngoài có khả năng bị nhà chức trách Nga tịch thu cao nhất, bao gồm các công ty do người Nga sống ở nước ngoài sở hữu", Bộ Quốc phòng Anh cho biết.

Việc các tỷ phú Nga rút tài sản về nước và tiếp tục đầu tư kinh doanh được cho là sẽ giúp thúc đẩy kinh tế trong nước. Nền kinh tế Nga đã thách thức mọi dự báo của các chuyên gia phương Tây khi không những không sụp đổ trước các lệnh cấm vận mà còn trở thành quốc gia tăng trưởng nhanh nhất ở châu Âu vào cuối năm 2023.

Hôm 8/5, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã lần đầu tiên tán thành việc sử dụng tiền lãi từ tài sản Nga bị phong tỏa ở châu Âu để hỗ trợ Ukraine.

Nếu không có gì thay đổi, Kiev sẽ nhận khoảng 3 tỷ euro mỗi năm từ tiền lãi tịch thu của Nga dưới dạng hỗ trợ quân sự và hỗ trợ tài chính. Số tiền này có thể được giải ngân để hỗ trợ Ukraine vào tháng 7 tới.

Nga đã nhiều lần cảnh báo sẽ đáp trả tương xứng động thái tịch thu tài sản từ phương Tây. Tổng giá trị đầu tư của EU, nhóm G7, Úc và Thụy Sĩ vào Nga đạt 288 tỷ USD, tính đến cuối năm 2022.

Nhật Minh - Bloomberg

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN