Những doanh nghiệp niêm yết nào đang trữ tiền mặt nhiều nhất trong đại dịch?

Trong tình hình dịch bệnh diễn phiến phức tạp như quý 2, nguồn tiền tích lũy từ những năm trước đó trở thành dòng tiền chính duy trì hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp.

Thống kê từ Báo cáo tài chính các doanh nghiệp (trừ nhóm ngân hàng, công ty chứng khoán và bảo hiểm) đến cuối quý 2/2020, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) hiện là doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn nhất trong các doanh nghiệp niêm yết.

Tính đến cuối tháng 6, Công ty tăng tiền gửi ngân hàng kỳ hạn dưới 12 tháng lên hơn 33.368 tỷ đồng, tăng gần 8% so với đầu năm. Nhờ đó, ACV mang về gần 564 tỷ đồng lãi ngân hàng trong quý 2/2020, bù đắp phần nào khoản lỗ từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.  Khoản tiền và các khoản tương đương tiền ở mức gần 458 tỷ đồng, tăng 30% so đầu năm.

Thực tế những năm trước đó, ACV luôn duy trì lượng tiền mặt trên dưới 50% tài sản doanh nghiệp. Cũng chính hàng chục nghìn tỷ tiền mặt này mỗi năm đều đặn mang về cho công ty hàng nghìn tỷ tiền lãi mà không cần hoạt động kinh doanh.

Giữa lúc hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, lãnh đạo ACV cũng cho biết lợi nhuận năm 2020 sẽ chủ yếu là lãi tiền gửi ngân hàng từ dòng tiền tích lũy nói trên. Tuy nhiên công ty dự tính, nhiều khả năng lãi suất tiền gửi cũng sẽ giảm trong năm 2020 này.

Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) cũng là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt lớn thứ 2 trong số các doanh nghiệp niêm yết hiện nay.

Cụ thể, tổng lượng tiền mặt tính đến cuối quý 2 của GAS hiện ở mức 33.640 tỷ đồng, tương đương 50% tổng tài sản. So với đầu năm, con số này đã tăng gần 4.250 tỷ đồng, tương ứng tăng 14%. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền tăng hơn 8.000 tỷ đồng và tiền gửi ngân hàng giảm gần 4.000 tỷ đồng.

Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng nắm giữ lượng tiền khủng ở vị trí thứ ba với gần 28.000 tỷ đồng, tương đương con số hồi đầu năm 2020.

Đối với Vingroup - ông lớn của ngành xây dựng và bất động sản, ưu tiên nắm giữ tiền và các khoản tương đương tiền nhiều hơn, do đó, tiền và các khoản tương đương tiền của Công tới 27.186 tỷ đồng. Trong khi đó khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chỉ còn 653 tỷ đồng, giảm đáng kể so với con số hơn 11.100 tỷ đồng hồi đầu năm.

Nhung doanh nghiep niem yet nao dang tru tien mat nhieu nhat trong dai dich?
 Nguồn: BCTC quý 2 của các doanh nghiệp. 

Bộ đôi ngành hàng tiêu dùng Vinamilk (VNM) và Sabeco (SAB) nắm giữ lần lượt là 18.500 tỷ và 16.000 tỷ đồng.

Lượng tiền mặt của Vinamilk hiện tăng 3.500 tỷ đồng so với đầu năm. Trong những năm trước, Vinamilk thường xuyên nằm trong nhóm sở hữu lượng tiền mặt lớn nhất. Lãnh đạo công ty này cũng cho biết, khoản tiền khổng lồ nói trên là nguồn tiền để chuẩn bị cho những thương vụ mua bán và sáp nhập mở rộng hoạt động kinh doanh theo kế hoạch.

Mới đây, Vinamilk cho biết sẽ tăng vốn đầu tư tại Lao-Jagro từ 25,4 triệu USD lên 66,4 triệu USD, tương ứng tăng thêm 41 triệu USD (95 tỷ đồng) để hoàn thiện một số hạng mục bổ sung trang trại 4.000 con bò sữa hữu cơ (organics) thứ nhất và đầu tư trang trại bò sữa công nghệ cao quy mô 4.000 con cao sản (HF) thứ hai.

Vinamilk nắm 51% trong Lao-Jagro cùng với các đối tác từ Lào và Nhật Bản. Hiện Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên là Chủ tịch HĐQT Lao-Jagro, ngoài ra còn có 2 đại diện Vinamilk khác cũng có ghế trong HĐQT.

Một số doanh nghiệp khác cũng góp tên trong danh sách các doanh nghiệp đại gia như Vinhomes (VHM) với 12.364 tỷ đồng, Hòa Phát (HPG) với 12.148 tỷ đồng và Thế giới Di động (MWG) với 10.878 tỷ đồng.

Nhưng tiền mặt nhiều có phải luôn tốt? Cùng với xem xét nguồn gốc tiền, nghĩa vụ trả nợ, các vấn đề chi tiêu thì lịch sử thua lỗ từ đầu tư ngoài ngành tràn lan ở nhiều đơn vị đã minh chứng, doanh nghiệp nhiều tiền thường bị sức ép phải sinh lời tương xứng.

Các công ty này dễ bị cám dỗ rót tiền vào những lĩnh vực không phải là thế mạnh, từ đó có thể đưa đến rủi ro, mất mát trong đầu tư. Bởi thế, các công ty nhiều tiền cần thận trọng khi đầu tư, nên được tư vấn kỹ lưỡng và cần người lãnh đạo tỉnh táo, có tầm nhìn xa để biết cách dùng tiền hiệu quả.

Tuy vậy trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn kéo dài, những công ty đang sở hữu lượng tiền mặt dồi dào và đòn bẩy tài chính thấp sẽ có khả năng chống chịu với thách thức và hồi phục tốt hơn so với các doanh nghiệp khác.

Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN