Ngành thuỷ sản 2021 kỳ vọng tăng trưởng, lợi nhuận VHC có thể đạt 1,1 nghìn tỷ đồng

Báo cáo triển vọng ngành Thủy sản năm 2021 của Chứng khoán SSI cho thấy ở cả lĩnh vực tôm và cá tra đều có sự tăng trưởng. 
Theo SSI, ngành thủy sản có độ nhạy cao với đại dịch do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu tạo ra cả cơ hội và thách thứcvà giá bán bình quân giảm do nhu cầu giảm, đặc biệt là nhu cầu ở kênh nhà hàng. 
Nhìn lại năm 2020, các công ty xuất khẩu tôm (MPC +55% so với đầu năm, CMX +70% so với đầu năm và FMC +41% so với đầu năm) tăng trưởng ấn tượng. Trong khi các công ty xuất khẩu cá tra (VHC +9% so với đầu năm, IDI +43% so với đầu năm, ANV +21% so với đầu năm, ABT -9% so với đầu năm và HVG -56% so với đầu năm) có một năm khó khăn hơn và ghi nhận kết quả kinh doanh trái ngược. 
Trong khi các công ty xuất khẩu tôm tận dụng được cơ hội do nguồn cung từ Ấn Độ suy yếu, các công ty xuất khẩu cá tra vẫn đang gặp khó khăn khi các thị trường xuất khẩu chủ lực phục hồi không ổn định, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.
Dù vậy, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2021 có thể tăng trưởng 10% so với cùng kỳ và đạt 9,4 tỷ USD trong năm 2021 (cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân (CAGR) giai đoạn 2016-2019 là 6,8%). Trong đó xuất khẩu tôm vẫn là động lực tăng trưởng (+15% so với cùng kỳ đạt 4,4 tỷ USD), tiếp theo là cá tra (+5% so với cùng kỳ đạt 1,6 tỷ USD) và các sản phẩm thủy sản khác (+6% so với cùng kỳ đạt 3,4 tỷ USD).
Tuy nhiên, SSI cho rằng mức tăng trưởng xuất khẩu tôm mạnh như vậy là khó khả thi, vì sự phục hồi của nguồn cung (Ấn Độ) sau Covid-19 có thể kìm hãm tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam. SSII cho rằng các công ty xuất khẩu tôm sẽ khó có thể tái lập mức tăng trưởng đã đạt được trong năm 2020 trước sự cạnh tranh từ Ấn Độ.
Nganh thuy san 2021 ky vong tang truong, loi nhuan VHC co the dat 1,1 nghin ty dong
 
SSI cũng lưu ý rằng chu kỳ nuôi tôm ngắn (chỉ 3-4 tháng), và ước tính cạnh tranh với Ấn Độ tại thị trường Mỹ và EU (đóng góp 37% giá trị xuất khẩu của tôm Việt Nam) sẽ trở nên gay gắt hơn vào nửa cuối năm 2021.
Tuy nhiên, các công ty xuất khẩu có chứng nhận của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng Thủy sản (ASC) có thể nhận thấy nhiều cơ hội hơn để mở rộng tại thị trường EU khi hiệp định EVFTA có hiệu lực xuyên suốt năm. Giá bán bình quân có thể tăng khi nhu cầu tăng dần lên, hỗ trợ cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp.
Đối với cá tra, SSI ước tính sự phục hồi cả về sản lượng và giá bán bình quân sẽ thúc đẩy tăng trưởng giá trị xuất khẩu trong cả năm, đặc biệt là trong nửa cuối năm 2021 khi vắc xin được phổ biến rộng rãi hơn ở Mỹ và EU, điều này có thể khuyến khích tiêu thụ thủy sản tại kênh nhà hàng.
Cũng cần lưu ý các vấn đề và rủi ro của ngành thuỷ sản là khả năng Mỹ có thể áp thuế đối với các sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam, sau cuộc điều tra USTR Mục 301 về chính sách tiền tệ.
Ước lợi nhuận của VHC năm 2021 có thể đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, cần lưu ý ANV
Trong bối cảnh đó, SSI ước tính cả sản lượng xuất khẩu và giá bán bình quân của Vĩnh Hoàn (VHC) sẽ phục hồi cùng với nhu cầu tăng dần lên tại các thị trường xuất khẩu chính (như Mỹ, EU và Trung Quốc).
Cụ thể, đối với mảng cá tra, chúng tôi ước tính giá bán bình quân và sản lượng tăng lần lượt 10% và 15% trong năm 2021. Đối với mảng wellness, SSI ước tính VHC sẽ sử dụng 60% công suất mới (3.500 tấn/năm) và tạo ra tăng trưởng doanh thu 35% so với cùng kỳ.
Tỷ suất lợi nhuận gộp cuả VHC có thể cải thiện lên 17,2% (từ 16,6% trong năm 2020), do giá bán bình quân của cá tra cao hơn và mảng wellness hoạt động hiệu quả hơn (mảng có tỷ suất lợi nhuận gộp cao hơn) hỗ trợ doanh thu thuần.
Doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế có thể đạt lần lượt là 9 nghìn tỷ đồng (+26,6% so với cùng kỳ) và 1,1 nghìn tỷ đồng (+26,3% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, tiềm năng gia nhập của Nam Việt (ANV) vào thị trường Mỹ có thể gây ra áp lực cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu trọng điểm này. Trong 11T2020, Mỹ chiếm 33% tổng doanh thu của VHC.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN