Liên danh VIETUR đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu 35.000 tỷ Sân bay Long Thành

Liên danh VIETUR đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10. ACV đề nghị đại diện có thẩm quyền của Liên danh VIETUR đến dự lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính vào sáng ngày 4/8/2023.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (HoSE: ACV) vừa công bố nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" của dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là Liên danh VIETUR.
Liên danh VIETUR gồm 10 thành viên: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC Ictas (Thổ Nhĩ Kỳ) – đứng đầu liên danh, CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 - CTCP (UPCoM: CC1), CTCP Đầu tư Xây dựng Newtecons, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HOSE: VCG), CTCP Kết cấu Thép ATAD, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (UPCoM: HAN), CTCP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, CTCP Xây dựng Phục Hưng Holdings (HOSE: PHC), và CTCP Hawee Cơ điện. 
ACV đề nghị đại diện có thẩm quyền của Liên danh VIETUR đến dự lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính vào sáng ngày 4/8/2023.
Được biết, IC Istas là chi nhánh xây dựng của tập đoàn Thổ Nhĩ Kỳ IC Holdings và là một trong ba nhà thầu hàng đầu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Công ty có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, nổi bật là các sân bay quốc tế tại Nga (Sân bay quốc tế Pulkovo), Ả Rập Saudi (Sân bay quốc tế King Khaled) và Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Còn Ricons, Newtecons và SOL E&C có liên quan đến cựu Chủ tịch CTD là ông Nguyễn Bá Dương.
Trong khi đó, Vinaconex có kinh nghiệm trong các dự án hạ tầng lớn trong nước. Vinaconex là nhà thầu chính của nhà ga thứ hai của Sân bay Quốc tế Phú Bài (2,3 nghìn tỷ đồng).
Lien danh VIETUR dap ung yeu cau ky thuat goi thau 35.000 ty San bay Long Thanh
 
Gói thầu 5.10 có tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng. Đây là gói thầu lớn nhất của sân bay Long Thành có thời gian thi công 39 tháng.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ước tính tổng lợi nhuận tối đa khoảng 525 tỷ đồng cho một nhà thầu tham gia gói 5.10.
Do thông tin về cơ cấu đấu thầu của từng liên danh đấu thầu gói thầu 5.10 của LTA còn hạn chế, VCSC cung cấp phân tích độ nhạy về khả năng tăng lợi nhuận cho từng nhà thầu dựa trên các giả định về biên lợi nhuận ròng khác nhau và tỷ lệ phân chia backlog 35.000 tỷ đồng. 
Mặc dù tính toán của VCSC trình bày một phạm vi khá lớn của phần giá trị backlog được phân bổ cho từng nhà thầu (từ 10% đến 100%) và biên lợi nhuận ròng trên phần giá trị backlog được phân bổ (từ 1% đến 10%), VCSC kỳ vọng phạm vi hợp lý của hai biến số này là tối đa 50% đối với giá trị backlog và tối đa 3% đối với biên lợi nhuận ròng trên giá trị backlog, tức tương đương khoản lợi nhuận 525 tỷ đồng mà một nhà thầu cụ thể trong liên danh có thể thu được khi hoàn thành gói thầu LTA 5.10. 
VCSC lưu ý rằng ước tính này là cho tổng lợi nhuận từ việc hoàn thành gói thầu 5.10. Tuy nhiên, do thời gian xây dựng ước tính cho LTA giai đoạn 1 là 39 tháng (tương đương với thời gian hoàn thành ước tính vào cuối năm 2026 hoặc giữa năm 2027, tùy thuộc vào ngày khởi công xây dựng thực tế), tổng lợi nhuận ước tính trên sẽ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 3,5 năm.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN