FPT dự kiến lợi nhuận quý 4 tăng 20%

Ban lãnh đạo FPT dự kiến kế hoạch trưởng lợi nhuận tăng tốc 20% từ quý 4/2020 và tăng trưởng 2 chữ số cho cả năm 2020.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa công bố những thông tin liên quan đến cuộc họp với nhà đầu tư của CTCP FPT (HoSE: FPT).
Theo đó, ban lãnh đạo FPT dự kiến kế hoạch trưởng lợi nhuận tăng tốc 20% từ quý 4/2020 và tăng trưởng 2 chữ số cho cả năm 2020.
Đối với mảng CNTT, trong quý 3/2020, doanh thu và LNTT mảng XKPM chỉ tăng 3% và 4% so cùng kỳ. Tức giảm tốc từ mức tăng trưởng lần lượt là 18% và 21% trong 6 tháng đầu năm 2020.
Ban lãnh đạo cho rằng các diễn biến này đến từ gián đoạn bởi dịch COVID-19 đến tiến độ triển khai dự án và ký kết hợp đồng mới – bị ảnh hưởng mạnh nhất trong quý 1/2020.
Tuy nhiên, FPT kỳ vọng tăng trưởng LNTT mảng XKPM sẽ tăng tốc lên mức 2 chữ số từ quý 4/2020 khi các hợp đồng ký kết trong năm 2020 bắt đầu tạo ra doanh thu và quý 4/2019 là mức cơ sở thấp.
Theo FPT, các dự án mới thường cần khoảng 6 đến 12 tháng để bắt đầu đóng góp doanh thu. Ngoài ra, trong năm 2019, FPT ghi nhận phần lớn khoản thưởng dành cho nhân viên vào quý 4 trong khi công ty phân bổ khoản chi phí này đồng đều hơn giữa các quý trong năm 2020.
Giá trị hợp đồng mới mảng XKPM tăng 22% trong 9 tháng năm 2020, được củng cố bởi các khách hàng lớn hơn và tích hợp với Intellinet. Trong 9 tháng năm 2020, số lượng các khách hàng có giá trị hợp đồng hơn 500.000 USD tăng 16% đạt 180 khách hàng trong khi số lượng hợp đồng có giá trị hơn 500.000 USD tăng mạnh 156%.
Đáng chú ý, FPT thắng thầu 2 hợp đồng trị giá 100 triệu USD – 1 hợp đồng với khách hàng Mỹ và 1 hợp đồng với khách hàng Nhật Bản – và 1 hợp đồng trị giá 200 triệu USD trong tháng 8-11/2020.
FPT du kien loi nhuan quy 4 tang 20%
 
Theo ban lãnh đạo, FPT thắng thầu các hợp đồng lớn nhờ chi phí cạnh tranh, năng lực gia tăng nhân sự và khả năng tư vấn cải thiện – một phần nhờ Intellinet – 1 doanh nghiệp tư vấn CNTT Mỹ mà FPT đã thâu tóm vào năm 2018.
Ban lãnh đạo kỳ vọng lượng hợp đồng ký mới của FPT sẽ duy trì mạnh mẽ trong tương lai nhờ chi tiêu CNTT toàn cầu phục hồi cũng như nhu cầu dịch vụ chuyển đổi số gia tăng.
Đối với triển vọng năm 2021 cho từng thị trường XKPM chính, FPT kỳ vọng doanh thu từ Nhật Bản, Mỹ và APAC sẽ tăng 2 chữ số trong khi có quan điểm thận trọng hơn cho thị trường EU, do số lượng khách hàng hạn chế hơn và phụ thuộc lớn vào ngành hàng không tại khu vực này.
Ở khối Dịch vụ viễn thông, tiến độ bán hàng của mảng trung tâm dữ liệu chững lại trong quý 3/2020 do dịch COVID-19 nhưng bắt đầu cải thiện trong quý 4/2020.
Theo ban lãnh đạo, 2 trung tâm dữ liệu mới của FPT tại Hà Nội và TP. HCM đã đi vào vận hành trong tháng 8/2020.
Tuy nhiên, tiến độ bán hàng, đặc biệt với các khách hàng nước ngoài, chững lại do hạn chế di chuyển bởi dịch COVID-19 trong quý 3/2020 nhưng bắt đầu hoạt động trở lại trong quý 4/2020. Công ty kỳ vọng LNTT của mảng này sẽ tăng mạnh 20%-30% trong năm 2021.
Về mảng Giáo dục, tổng số lượng sinh viên tăng mạnh 31% tính đến 10 tháng năm 2020 nhờ uy tín gia tăng của Đại học FPT và sự hấp dẫn việc làm ngành CNTT.
Theo ban lãnh đạo, thời gian nhập học của năm học 2020-2021 đã bị dời sang tháng 9-10 so với khung thời gian thông thường là tháng 8 trong bối cảnh dịch COVID-19.
Dù vậy, lượng sinh viên mới của FPT vẫn tăng 35% tính đến cuối tháng 10/2020. Đáng chú ý, lượng sinh viên ngành CNTT tăng mạnh 40% nhờ sự quan tâm ngành CNTT lớn của học sinh phổ thông – được củng cố triển vọng tươi sáng của ngành và mức lương cao so với các ngành khác.
Trong tương lai, FPT kỳ vọng phần trăm học sinh phổ thông lựa chọn ngành CNTT sẽ tiếp tục tăng mạnh và cả mảng giáo dục lẫn XKPM của FPT sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này. Theo ban lãnh đạo, chỉ 7% học sinh hiện lựa chọn ngành CNTT sau khi kết thúc cấp trung học phổ thông tại Việt Nam.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN