Cha con ông Võ Trường Thành đã chuyển giao tài sản khắc phục hậu quả cho Gỗ Trường Thành

Ngày 25/8, CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (HoSE: TTF) cho biết ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn đã thực hiện hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với Gỗ Trường Thành.
Vấn đề này đã được đại hội đồng cổ đông thông qua ngày 16/3/2016 về phương án khắc phục hậu quả của ông Võ Trường Thành và ông Võ Diệp Văn Tuấn do quản lý yếu kém.
Theo kế hoạch, tài sản khắc phục hậu quả của ông Võ Trường Thành và con trai là ông Võ Diệp Văn Tuấn gồm hơn 15,4 triệu cổ phiếu TTF.
Ngoài ra, tài sản khắc phục hậu quả của hai cá nhân trên còn là phần vốn góp tại một số công ty với tổng giá trị gần 57,4 tỷ đồng gồm CTCP Trường Thành, CTCP Chế biến Gỗ Trường Thành, Nông Lâm Nghiệp Trường Thành, Phú Hữu Gia, Trường Thành Xanh...
Sau khi hoàn thành việc chuyển giao tài sản, Công ty sẽ có văn bản miễn toàn bộ trách nhiệm bao gồm trách nhiệm pháp lý và đồng thời HĐQT làm việc với Tân Liên Phát ra văn bản bãi nại cho ông Võ Trường Thành và ông Võ Diệp Văn Tuấn trong vòng 3 ngày kể từ khi hoàn thành chuyển giao xong toàn bộ tài sản khắc phục hậu quả.
Cha con ong Vo Truong Thanh da chuyen giao tai san khac phuc hau qua cho Go Truong Thanh
 

Gỗ Trường Thành từng là công ty chế biến và xuất khẩu gỗ hàng đầu Việt Nam cả về năng lực sản xuất và vùng nguyên liệu, nhận được nhiều hợp đồng cung cấp sản phẩm cho các dự án bất động sản lớn…, niêm yết trên HoSE ngày 18/2/2008. 

Năm 2012 và 2013, Gỗ Trường Thành thua lỗ do đầu tư dựa nhiều vào vốn vay, trong khi lãi suất thị trường tăng cao, còn đầu ra gặp khó khăn.

Sau khi tái cấu trúc nợ thành công và báo lãi tăng trưởng đột biến năm 2014 và 2015, Gỗ Trường Thành trở thành mục tiêu M&A của Tập đoàn Vingroup. 

Tuy nhiên, cổ đông bất ngờ nhận cú sốc khi Công ty bị phát hiện sai lệch trọng yếu trong hàng tồn kho và khoản phải thu, dẫn đến thua lỗ gần 1.300 tỷ đồng trong năm 2016.

Trước nguy cơ bị hủy niêm yết khi lỗ lũy kế ăn mòn đến 97% vốn điều lệ, Gỗ Trường Thành lên kế hoạch phát hành riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu vào cuối năm 2017. Kết quả, Công ty phát hành được 70 triệu cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ 1.446 tỷ đồng lên 2.146 tỷ đồng.

Cuối năm 2018, tỷ lệ lỗ lũy kế/vốn điều lệ tăng trở lại 98% khi Gỗ Trường Thành lỗ thêm 805 tỷ đồng do tiếp tục phải trích lập dự phòng phải thu và tồn kho. 

Công ty thoát “án” hủy niêm yết cũng như tình trạng âm vốn điều lệ nhờ một chủ nợ miễn giảm nợ gốc và lãi vay gần 200 tỷ đồng.

Trong năm 2019, Gỗ Trường Thành phát hành riêng lẻ gần 95,6 triệu cổ phiếu để hoán đổi cổ phiếu Công ty cổ phần Sứ Thiên Thanh (STT), tăng vốn lên 3.112 tỷ đồng, đồng thời thay đổi nhân sự cao nhất trong Hội đồng quản trị. 

Tuy vậy, với kết quả kinh doanh thua lỗ lớn 1.003 tỷ, nâng mức lỗ lũy kế tính đến 31/12/2020 lên mức 3.019 tỷ đồng, suýt soát với tỷ trọng 97% vốn điều lệ. 

Vốn chủ sở hữu âm 631,8 tỷ đồng, chủ yếu do ảnh hưởng của đợt phát hành cổ phiếu hoán đổi với STT, khiến Công ty ghi nhận khoản thặng dư vốn cổ phần âm 629,3 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2019, TTF có quy mô tổng tài sản 2.145,6 tỷ đồng, nợ phải trả 2.777,5 tỷ đồng.

Dù vậy, năm 2020, Gỗ Trường Thành vẫn đặt kế hoạch doanh thu hơn 2.427 tỷ đồng, gấp 3,7 lần kết quả đạt được trong năm 2019; kỳ vọng chính thức có lợi nhuận trở lại với chỉ tiêu LNTT gần 70 tỷ đồng. 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN