Mỗi năm phải tăng khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị

Nhận định nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021-2030 sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị, đại diện Bộ Xây dựng tính toán mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị.

Sáng 27/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Hiệp hội Bất động sản TP HCM và Đại học Mở TP HCM tổ chức Hội thảo “Phát triển thị trường bất động sản, nhà ở minh bạch, bền vững thúc đẩy quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Đại diện Bộ Xây dựng dự báo nhu cầu về nhà ở giai đoạn 2021 - 2030 sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại khu vực đô thị. Nguyên nhân chính đến từ tốc độ gia tăng dân số cùng xu hướng đô thị hóa; sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với mức thu nhập của người dân tăng làm tăng khả năng chi trả; nhu cầu cải tạo, thay thế nhà ở.

Theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ dân số đô thị hiện khoảng 40% và sẽ tăng lên khoảng 45% vào năm 2030 đòi hỏi mỗi năm phải tăng thêm khoảng 70 triệu m2 nhà ở đô thị. Nhu cầu mới về nhà ở sẽ tiếp tục tập trung tại một vài thành phố lớn và các khu công nghiệp, bao gồm khu vực phía Nam là TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu; phía Bắc tập trung chủ yếu khu vực Hà Nội và một số thành phố vệ tinh như Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng.

Hai thành phố lớn có sức hút dân số cao, đòi hỏi gia tăng nhanh diện tích nhà ở đô thị là TP Hà Nội và TP HCM, sẽ chiếm trên 50% diện tích đất đô thị của cả nước và 75% tăng trưởng không gian đô thị với khoảng 2/3 lượng nhu cầu nhà ở hàng năm.

Moi nam phai tang khoang 70 trieu m2 nha o do thi
Toàn cảnh Hội thảo.

Xét riêng cho từng phân khúc nhà ở tại khu vực đô thị thì chung cư giá rẻ và trung bình sẽ là phân khúc chiếm thị phần lớn nhất và có xu hướng gia tăng. Nhà biệt thự, liền kề giữ ổn định trong ngắn hạn và có xu hướng giảm thị phần trong dài hạn. Nhà ở cho người thu nhập thấp tiếp tục còn thiếu hụt trong ngắn hạn và trung hạn.

Tính đến đầu năm nay, cả nước có khoảng 100.000 doanh nghiệp xây dựng và 15.000 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tham gia đầu tư kinh doanh bất động sản (tăng hơn 2,3 lần so với năm 2010). Ngoài ra, hơn 1.000 sàn giao dịch bất động sản đã được thành lập.

Báo cáo chỉ ra giai đoạn 2014 trở về trước, thị trường bất động sản chủ yếu chỉ có sản phẩm nhà ở (nhà liền kề, biệt thự), được xây dựng tại các dự án có quy mô nhỏ tham gia thị trường. Giai đoạn 2015 - 2020, sản phẩm và cơ cấu sản phẩm của thị trường đã có nhiều thay đổi và ngày càng phong phú, ngoài nhà ở thương mại còn có nhà ở xã hội, bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch (biệt thự du lịch, căn hộ du lịch), văn phòng, trung tâm thương mại, mặt bằng cho thuê…

Số liệu Bộ Xây dựng cho biết cả nước đã và đang triển khai khoảng 5.000 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 4,5 triệu tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm 2009. Trong tổng số 5.000 dự án nhà ở có hơn 1.000 dự án nhà ở xã hội; 326 khu công nghiệp, gần 40.000 căn hộ du lịch; trên 6 triệu m2 văn phòng cho thuê (gần gấp 3 lần năm 2009)…

Tuy nhiên, Bộ cho rằng sự phát triển của thị trường giai đoạn 2015 - 2020 vẫn chưa thực sự bền vững, còn tiểm ẩn nguy cơ mất ổn định. Giá cả hàng hóa bất động sản, đặc biệt là giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao và vẫn giữ xu hướng tăng, nhất là tại các đô thị lớn (Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng).

Cơ cấu một số sản phẩm bất động sản (trong đó có nhà ở) mất cân đối, thiếu sản phẩm có quy mô vừa và nhỏ, có giá cả phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội; có dấu hiệu thừa nguồn cung nhà ở cao cấp.

Moi nam phai tang khoang 70 trieu m2 nha o do thi-Hinh-2
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA.

Nhấn mạnh thể chế pháp luật quyết định môi trường kinh doanh, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng do còn hạn chế về thể chế nên môi trường kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản chưa đảm bảo tính minh bạch, công bằng, bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh.

Trong khi đó, công tác thực thi pháp luật cũng còn nhiều mặt hạn chế, nhất là quy trình thủ tục hành chính nhiêu khê, kéo dài, ẩn khuất cơ chế “xin-cho”, nhũng nhiễu, tiêu cực, cũng là “lực cản” và là một nguyên nhân làm tăng chi phí đầu tư, tăng giá nhà.

 Chủ tịch HoREA kỳ vọng Chính phủ sẽ xem xét ban hành một số văn bản quan trọng có liên quan trực tiếp đến các dự án đầu tư, dự án nhà ở và thị trường bất động sản, theo Chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ.

Gia Lai-Thanh Thi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN