Dự án Sài Gòn - Đại Ninh: Kết luận của thanh tra được sửa như thế nào?

Liên quan đến dự án Khu đô thị thương mại du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh (dự án Sài Gòn - Đại Ninh), Thanh tra Chính phủ từng chỉ ra loạt sai phạm của dự án tại Kết luận số 929/KL/TTCP ngày 12/6/2020.
Mất và lấn chiếm hàng trăm ha rừng
Dự án này được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2010 cho Công ty CP Đầu tư du lịch Sài Gòn Đại Ninh (Công ty Sài Gòn Đại Ninh) làm chủ đầu tư. Dự án có tổng diện tích sử dụng đất 3.595ha và tổng nguồn vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng; theo tiến độ đầu tư, dự án được triển khai thực hiện từ năm 2010, dự kiến đưa vào sử dụng vào năm 2018. Tuy nhiên, đến nay dự án mới xây dựng được vài công trình tạm và để rừng bị phá, lấn chiếm hàng trăm ha.
Theo Thanh tra Chính phủ, tại dự án Sài Gòn Đại Ninh có các vi phạm như: Chậm tiến độ dự án; không tuân thủ nghĩa vụ tài chính; để xảy ra mất 257ha rừng và để lấn chiếm 111ha đất rừng; vi phạm trật tư xây dựng khi xây hội trường 560m2 và 15 nhà chuyên gia không có giấy phép… mà cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý triệt để.
Thanh tra Chính phủ nhận định, trách nhiệm thuộc Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục trưởng Cục thuế tỉnh, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng và các tổ chức, cá nhân liên quan qua các thời kỳ.
Sau khi Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP được ban hành, Công ty Sài Gòn Đại Ninh đã có văn bản kiến nghị lên nhiều cơ quan chức năng xem xét lại việc thu hồi dự án. Đến ngày 1/3/2021, Thanh tra Chính phủ đã lập tổ công tác để kiểm tra, xác minh theo kiến nghị của doanh nghiệp. Trong tổ công tác này có ông Nguyễn Ngọc Ánh, Chánh Thanh tra tỉnh Lâm Đồng (người sau này đã bị bắt vì nhận hối lộ tại dự án này vào tháng 3/2023).
Du an Sai Gon - Dai Ninh: Ket luan cua thanh tra duoc sua nhu the nao?
 Toàn cảnh khu vực dự án Sài Gòn Đại Ninh tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Tuy nhiên, đến ngày 8/7/2021, Phó tổng Thanh tra Chính phủ thời điểm đó là ông Trần Văn Minh (đã mất) ký Thông báo kết luận số 1081/TB-TTCP sửa đổi một số nội dung Kết luận thanh tra số 929/KL-TTCP. Trong đó, rút lại yêu cầu chấm dứt hoạt động, thu hồi đất đối với dự án Sài Gòn Đại Ninh.
Đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng căn cứ thẩm quyền, hướng dẫn Công ty Sài Gòn - Đại Ninh thực hiện thủ tục giãn tiến độ, điều chỉnh dự án theo Luật Đầu tư năm 2014, gia hạn sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013, yêu cầu hoàn thành dự án đúng cam kết, khẩn trương triển khai đầu tư theo quy mô đã phê duyệt.
Trường hợp công ty này vi phạm cam kết hoặc không có khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính thì chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định.
Mặt khác, UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát, kiểm tra lại tính pháp lý của Quyết định số 2020/QĐ- UBND ngày 9/10/2018 để quyết định thu tiền sử dụng đất theo thẩm quyền; chỉ đạo rà soát, yêu cầu công ty nộp thuế chuyển nhượng cổ phần, chuyển nhượng dự án (nếu có) theo quy định.
Theo Thanh tra Chính phủ, nội dung sửa đổi lại kết luận thanh tra nêu trên đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo vào hồi cuối tháng 6/2021.
Đại biểu Quốc hội chất vấn
Thông tin trên báo chí, trước đó, tại phiên chất vấn kỳ họp của Quốc hội ngày 7/11/2023, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (đoàn tỉnh Cà Mau) đặt vấn đề căn cứ vào đâu, yêu cầu nào mà Thanh tra Chính phủ thành lập tổ công tác để thanh tra lại Kết luận thanh tra của Đoàn công tác vào năm 2020 về vụ việc liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh ở tỉnh Lâm Đồng có nhiều dấu hiệu vi phạm. Cơ quan điều tra đã khởi tố một loạt bị can, trong đó có một số cán bộ của Thanh tra Chính phủ về tội nhận hối lộ.
“Do đó, đề nghị cho biết việc thành lập tổ công tác để thanh tra lại kết quả của đoàn thanh tra có đúng luật không? Và với vai trò vừa là Thủ trưởng cơ quan thanh tra, vừa là người đứng đầu cơ quan Nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm gì trước pháp luật?”, đại biểu Lê Thanh Vân chất vấn.
Trong vụ án liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh, tổ công tác của Thanh tra Chính phủ đã thay đổi kết luận thanh tra, từ kết luận dự án sai pháp luật, yêu cầu thu hồi chuyển sang giãn tiến độ, điều chỉnh dự án, gia hạn cho nhà đầu tư. Điều này, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng là "trái pháp luật hoàn toàn".
Trả lời, Tổng thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói đây là việc "rà soát, bổ sung, sửa đổi kết luận thanh tra chứ không phải thanh tra lại". Quyết định thành lập tổ công tác liên quan đến dự án Sài Gòn Đại Ninh là thực hiện đúng theo Luật Tổ chức Chính phủ và quy chế làm việc của Chính phủ.
“Trước khi ban hành kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã báo cáo với Thủ tướng. Thông thường là Phó thủ tướng sẽ họp với các bộ, ngành thống nhất và cho ý kiến đồng ý thì Thanh tra Chính phủ mới ban hành" - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nói và cho biết đã báo cáo kết quả rà soát dự án Đại Ninh và được Chính phủ, Phó Thủ tướng phụ trách đồng ý cho điều chỉnh thì Thanh tra Chính phủ tiến hành.
Liên Hà Thái (t/h)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN